Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự chỉ trích của các nhà môi trường vì họ cho rằng thiếu một khuôn khổ rõ ràng để giải quyết mức độ ô nhiễm độc hại khiến hàng triệu người chết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tại Ấn Độ, có 14 thành phố ô nhiễm nhất. Một nghiên cứu trên tạp chí Lancet Planetary Health vào tháng trước cho thấy không khí độc hại đã cướp đi sinh mạng của 1,24 triệu người ở các thành phố này vào năm 2017.
Chương trình Không khí Sạch Quốc gia (NCAP) nhằm mục đích cắt giảm từ 20-30% mức độ ô nhiễm tại 102 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào năm 2024.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Harsh Vardhan cho rằng khi kế hoạch được triển khai sẽ cải thiện đáng kể chất lượng không khí. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông cho biết: “Chúng ta phải đảm bảo cung cấp không khí sạch cho trẻ em và các thế hệ mai sau”.
Kế hoạch này nhằm mục đích đẩy mạnh việc cắt giảm khí thải công nghiệp và khí thải từ các phương tiện, đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt về nhiên liệu giao thông và đốt sinh khối và giảm ô nhiễm bụi. Kế hoạch cũng nhằm nâng cấp và tăng hệ thống giám sát.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, người dân Thủ đô, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống đã phải vật lộn với cuộc chiến ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Tuần trước, tình trạng ô nhiễm đã tăng lên đến mức khẩn cấp, khi chỉ số chất lượng không khí của Ban kiểm soát ô nhiễm trung tâm là 440, cao gấp 12 lần giới hạn khuyến cáo của chính phủ Mỹ.
Sunil Dahiya, một nhà vận động cấp cao của Greenpeace India hoan nghênh sự ra mắt của chương trình nhưng cho rằng chương trình vẫn còn thiếu tập trung và tham vọng.
“Chúng tôi mong rằng Chương trình Không khí sạch quốc gia sẽ mạnh hơn nhiều, sẽ cung cấp các mục tiêu chuyên sâu về ngành, các mục tiêu cụ thể cho các thành phố và đề cập đến sự hậu thuẫn pháp lý mạnh mẽ để có hành động chống lại việc không thực thi” - Sunil Dahiya nhấn mạnh.
“Chúng tôi cũng hy vọng Bộ Môi trường cho thấy sự nghiêm túc hơn trong việc thực thi và đẩy mạnh kế hoạch” – ông nói thêm.
Khi ô nhiễm gia tăng ở New Delhi vào tháng 10 và tháng 11 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp, từ lệnh cấm tạm thời các hoạt động xây dựng và đốt rác cho đến việc trấn áp các nhà máy nhiệt điện than.
Tuy nhiên, các biện pháp chưa có tính thực thi cao, phần lớn là do thiếu nguồn lực và ý chí chính trị.