Ai Cập chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27). Ảnh: Reuters
Các nguồn tin cho biết, tại COP27, New Delhi (Ấn Độ) cũng sẽ nhắc lại cam kết nỗ lực hết sức nhằm làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu.
Theo một trong hai nguồn tin, chi phí cho cả quá trình khử carbon và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu sẽ rất lớn, do đó, những nước đã đóng góp một cách không cân xứng vào việc phát thải khí nhà kính không nên trì hoãn việc tài trợ. Và đó cũng là lý do tại sao Ấn Độ sẽ tự lên tiếng cho chính mình và các quốc gia đang phát triển khác để đảm bảo có một lộ trình rõ ràng, đầy đủ về nguồn vốn được đầu tư sớm.
Năm 2009, các quốc gia phát triển chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020, để giúp các nước đang phát triển ứng phó với hậu quả của sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chưa đạt được, khiến một số nước đang phát triển không tin tưởng và lưỡng lự trong việc đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải.
Ấn Độ, là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Ấn Độ đang gia tăng thị phần năng lượng tái tạo, đồng thời nỗ lực cung cấp năng lượng cho 1,4 tỷ người bằng cách sử dụng nhiên liệu rẻ hơn, nhưng than vẫn tiếp tục là nhiên liệu chính của Ấn Độ để sản xuất điện.
Các nguồn tin cho biết, Ấn Độ đã bắt đầu đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng từ nhiên liệu không hóa thạch và nâng mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất lắp đặt “năng lượng không hóa thạch” lên 500 gigawatt. Những mục tiêu này đòi hỏi chi phí lớn, do vậy, điều quan trọng là phải thúc đẩy việc thực hiện các hành động khí hậu mà các nước đang phát triển đã cam kết.
"Các quốc gia phát triển cũng cần nhận ra rằng chi phí tổng thể đã tăng lên, do đó, cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm không thể cố định, con số này cần phải tăng lên”, nguồn tin nhấn mạnh.