Amiăng và gánh nặng ung thư

29/06/2017 00:00

(TN&MT) - Trong 10 năm tới, dự báo Việt Nam sẽ có 15.000 - 21.000 ca ung thư phổi/ung thư trung biểu mô do tiếp xúc với amiăng trắng. Thông tin do Tổ chức Chiến dịch loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng (APHEDA) vừa đưa ra tại Hội thảo "Chia sẻ thông tin một số kết quả của Hội nghị Công ước Rotterdam lần thứ 8 (COP8) và lộ trình ngừng sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam vào năm 2020" mới đây.

Nguy cơ được báo trước

Báo cáo của APHEDA cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn trong tốp 10 các nước tiêu thụ amiăng trắng lớn nhất trên thế giới (khoảng 60.000 tấn/năm). Trung bình mỗi năm, Việt Nam dùng amiăng để sản xuất và đưa vào sử dụng khoảng 100 triệu m2 tấm lợp phi-prô xi-măng. Đối với người sử dụng tấm lợp có chứa amiăng (các hộ gia đình, nhất là vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo) khi sử dụng lâu ngày tấm lợp bị hư hại, amiăng bị thải bỏ tự do ra môi trường gây nguy hại đến sức khỏe người dân.

Ông Trần Anh Thành, đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, người lao động làm việc tiếp xúc với tấm lợp tại các nhà máy; hoặc tiếp xúc với má phanh ở các cơ sở sửa chữa ô-tô, xe máy dễ mắc bệnh về phổi cũng như ung thư. Không ít người sau khoảng chục năm tiếp xúc với amiăng mới phát bệnh. Người dân sống xung quanh khu vực sản xuất sẽ chịu tác động gián tiếp, bị phơi nhiễm do hít bụi trong không khí, nguồn nước… Nếu sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa amiăng, khi có các biểu hiện bệnh đường hô hấp, người dân cần đi khám để kiểm tra và điều trị kịp thời. Người lao động cần sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy định, khám sức khỏe định kỳ.

Ở Việt Nam chưa có điều kiện để nghiên cứu về tác động của amiăng với các bệnh ung thư trên diện rộng. Tuy vậy, ghi nhận của 9 trung tâm ung thư trên toàn quốc từ năm 1990 đến nay cho thấy, các trường hợp ung thư trung biểu mô có xu hướng tăng từ 4,2 ca/năm vào năm 2000 lên đến 8,25 ca năm 2014.

Người thường xuyến tiếp xúc với amiang dễ mắc bệnh về phổi hay ung thư
Người thường xuyến tiếp xúc với amiang dễ mắc bệnh về phổi hay ung thư

Ông Philip Hazelton – chuyên gia APHEDA tại Việt Nam nhận định: Nếu giữ con số tiêu thụ amiăng khoảng 60.000 tấn/nămnhư hiện nay, trong 10 năm tới, dự báo Việt Nam sẽ có 15.000 - 21.000 ca ung thư phổi/ung thư trung biểu mô do tiếp xúc với amiăng trắng. Trong vòng 25 năm tới, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 300 ca ung thư trung biểu mô và 1.200 – 1.800 ca ung thư phổi.

Thúc đẩy loại bỏ amiăng

Tại hội nghị về Công ước Rotterdam lần thứ 8 (tháng 5/2017 tại Geneva, Thụy Sỹ), Việt Nam đã bỏ phiếu đồng ý đưa amiang trắng vào Phụ lục 3 về các loại hóa chất độc hại bị cấm, theo đó, các quốc gia nhập khẩu phải được cảnh báo về tính độc hại và phải đồng ý nhập khẩu; các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có amiăng phải ghi rõ trên nhãn mác về sự độc hại của vật liệu này để người dân biết và lựa chọn... Dù sau hội nghị, các quốc gia chưa thống nhất đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3, nhưng Việt Nam đã thể hiện quyết tâm loại bỏ loại sợi độc hại này trong thời gian tới.

Hiện, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các Bộ, ban ngành có liên quan về Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng giai đoạn 2016 - 2020 nhằm gia tăng nhận thức về tác hại của amiăng, hướng tới giảm tiêu thụ amiăng và chấm dứt nhập khẩu amiăng vào năm 2020.

Các hành động nhằm đạt mục tiêu 100% cơ sở sản xuất đăng ký và cam kết giảm và tiến đến loại bỏ việc sử dụng amiăng; thực hiện quan trắc môi trường hàng năm, có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhằm kiểm soát phát thải amiăng, quản lý và tái sử dụng chất thải rắn, nước thải trong quá trình sản xuất, đảm bảo yêu cầu về BVMT. Giảm số lượng công nhân bị phơi nhiễm; 100% người lao động được giám sát sức khỏe, được đào tạo huấn luyện về phòng ngừa các bệnh về amiăng

Bộ Y tế sẽ thực hiện quan trắc môi trường không khí và điều tra tình hình bệnh tật của cộng đồng tại một số khu vực dân cư xung quanh nhà máy có sử dụng amiăng, đồng thời, xây dựng dữ liệu quốc gia về amiăng. Bên cạnh đó, đào tạo cho cán bộ y tế tại các cơ sở dự phòng và bệnh viện về chẩn đoán, điều trị, ghi nhận các bệnh liên quan. Thảo luận về lộ trình ngừng sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam vào năm 2020, nhiều chuyên gia nêu quan điểm, vấn đề amiăng trắng cần tiếp tục nghiên cứu để có những chứng cứ minh bạch, thuyết phục dựa trên cơ sở khoa học, để vừa bảo đảm không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, vừa phù hợp với lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Song song với việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình, các doanh nghiệp cần nâng cao công nghệ sản xuất khép kín và tự động hóa nhằm bảo đảm sợi amiăng không bị phát tán ra bên ngoài giúp bảo vệ sức khỏe người lao động, người dân và môi trường.

Khánh Ly

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Amiăng và gánh nặng ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO