(TN&MT) - Bỏ đất, bỏ nghề và nhìn nguồn nước nuôi trồng thủy sản ô nhiễm mà bất lực. Đó là thực trạng đau lòng ở nhiều địa phương TP. Hải Phòng thời gian qua. Dân kiến nghị nhiều nhưng vẫn chỉ như “ném đá ao bèo”, còn doanh nghiệp thì vẫn “hồn nhiên” xả thải, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Các nhà máy trong KCN Tràng Duệ gây ô nhiễm.
Có ruộng mà không dám canh tác
Khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ huyện An Dương (Hải Phòng) là một trong những điểm gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ông Cao Đức Vững, xã Hồng Phong, huyện An Dương (Hải Phòng) bức xúc: Hơn hai năm qua, trừ ngày chủ nhật là công nhân nghỉ sản xuất, còn lại cả ngày lẫn đêm. Hầu hết các hộ dân trong thôn ở đây đều phải “cửa đóng then cài” vì mùi khói sơn, khói keo dán gỗ vừa hắc, vừa khét rất khó chịu.
Để chứng minh, bà Mai Thị Lành dẫn chúng tôi ra tận ruộng để mục sở thị một miệng cống thoát nước sau tường rào nhà máy chế biến sơn nằm trong KCN Tràng Duệ, thì thấy nước có màu đen đục chảy ra từ đây. Bà Lành bức xúc: “Hai năm nay, ruộng nhà tôi không gieo cấy được do nước ô nhiễm. Tiếc đất, tiếc ruộng, chúng tôi tận dụng trồng ít rau muống tía, loại rau được xem là khỏe, chịu được bùn lầy, nhưng cũng không sống nổi. Cực chẳng đã, các hộ dân đã đào đất đắp bịt miệng cống nhưng không ăn thua, nước thải vẫn rò rỉ, ngấm ra ngoài đen ngòm cả cánh đồng”.
Theo thống kê của xã Hồng Phong,việc mất mùa ở thôn Đồng Xuân thường xuyên diễn ra, xã đã lập biên bản, lãnh đạo KCN cũng thừa nhận và hứa bồi thường cho dân, nhưng cũng không sao bù đắp được sự mất mát của người dân. Chính quyền gửi nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN Tràng Duệ hạn chế khói, bụi, xả thải… ra môi trường, nhưng tình trạng này vãn không được cải thiện.
Những ao đầm… hấp hối
Không riêng gì người dân gần KCN Tràng Duệ, người dân nuôi trồng thủy sản ở Tràng Cát, KCN Đình Vũ cũng cùng chung cảnh ngộ. ông Đoàn Văn Vương, với hơn 30 năm làm nghề đánh bắt tôm, cá ở cạnh KCN Đình Vũ cho biết: “Từ năm 2000 đến 2005 tôi đấu thầu 12 ha để nuôi trồng thủy sản, đang ăn nên làm ra thì KCN mọc lên và kéo theo đó là khói, bụi, rác thải công nghiệp… ngày một đầu độc nguồn nước khiến cho nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ngày một thất thu.
Nhà máy sản xuất phân đạm DAP Đình Vũ “góp công” rất lớn đầu độc nguồn nước nuôi trồng thủy sản của người dân. Dẫn chúng tôi đi thăm các đầm gần nhà máy DAP Đình Vũ, ông Nguyễn Viết Hiếu, phường Tràng Cát bộc bạch: Nước trong các đầm có màu xanh đục khác lạ so với màu xanh nước biển trước đây mà người dân vẫn lấy vào nuôi thủy sản.
Trao đổi về vấn đề làm rò rỉ nước, chất thải ra môi trường, ông Nguyễn Văn Phiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV DAP cho biết: “Theo thiết kế bãi thải được chất cao 40 mét, khi mưa xuống giảm nồng độ a xít thì chúng tôi múc đổ ra hồ chứa bên cạnh (cận kề khu ao đầm thủy sản - pv), nếu lượng nước đó bị thải ra ngoài mà độ PH thấp sẽ ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài rất lớn. Cơ quan chuyên môn kiểm duyệt từ hồ chứa, xử lý, chống thấm, đổ cát, bạt phủ, một lớp đất… còn việc thẩm thấu ra ngoài hay không thì chúng tôi khó nói trước”(?!).
Được biết, khu ao đầm nuôi tôm, cá của người dân Tràng Cát có diện tích hàng ngàn ha, của 40 hộ dân và một công ty đấu thầu nuôi trồng thủy sản, nhưng chỉ cách bán kính khu tập kết rác thải khoảng 2 km. Nhiều chủ đầm kể rằng, ngày trước nuôi 1 tạ cua thì sau vài tháng thu được 3 – 4 tạ, giờ nuôi 6 tháng, thậm chí cả năm cua không lớn mà cứ còi cọc, chất lượng giảm, sản lượng ngoài tự nhiên cũng giảm mạnh.
Ngoài ra, KCN Đồ Sơn nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng khiến cho người dân nuôi trồng thủy sản bị thất thu liên tục, nhiều hộ đã bỏ đầm, bỏ nghề khai thác thủy sản chuyển sang nghề khác.
Để tìm ra nguyên nhân ô nhiễm môi trường tại các KCN ở Hải Phòng và bảo vệ sức khỏe người dân, cứu những ao, đầm nuôi thủy sản, cánh đồng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng TP Hải Phòng cần nhanh chóng vào cuộc.
Thống kê của các cơ quan nghiên cứu môi trường, mỗi ngày các KCN nước ta thải ra khoảng trên 8.000 tấn chất thải rắn (CTR), tương đương khoảng ba triệu tấn một năm. Sự gia tăng phát thải trên đơn vị diện tích đã phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất công nghiệp, xuất hiện các ngành có mức phát thải cao và quy mô ngày càng lớn tại các KCN và dự báo tổng phát thải CTR từ các KCN năm 2015 sẽ vào khoảng 6 đến 7,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 đạt từ 9 đến 13,5 triệu tấn/năm. |
Doãn Xuân