ADB hỗ trợ Việt Nam mở rộng vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy phát triển của quốc gia. Ảnh minh họa |
Theo ADB, hỗ trợ kỹ thuật này sẽ cung cấp tư vấn về chính sách, giúp chuẩn bị dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực thể chế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Khoản tài trợ bao gồm 2,7 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Canađa và 1,9 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Australia, cả hai đều do ADB quản lý.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đã đầu tư khoảng 117 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước khác trong khu vực. Việt Nam sẽ cần huy động khoảng 237 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021 - 2030 để bù đắp sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng; con số này cao hơn 49 tỷ USD so với quỹ đạo chi tiêu trước đây.
Nhận thấy tiềm năng của khu vực tư nhân trong việc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng còn thiếu hụt, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 của Việt Nam đã ưu tiên gỡ bỏ những rào cản để mở cửa cho cạnh tranh và xây dựng một môi trường hỗ trợ nhằm tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân vào nền kinh tế, gồm cả vai trò lớn hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông Donald Lambert, Chuyên gia chính về Phát triển khu vực tư nhân của ADB, nhận định, Việt Nam đã đạt được thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng trong ba thập niên vừa qua với việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhờ những cải cách thể chế. Để đạt được các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6% - 7% và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế, mở rộng vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.
Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó, có 49 thành viên thuộc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.