Báo cáo này là tập hợp công trình nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học, những người mới phát hiện ra 9 loài lưỡng cư, 11 loài cá, 14 loài bò sát, 126 loài thực vật và 3 loài động vật có vú tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Tại Tây Nguyên, Việt Nam, các nhà khoa học tìm thấy một loài dơi có đám lông dày trên đầu và cánh. Các phát hiện thú vị khác bao gồm một loài chuối quý hiếm tại Thái Lan, một loài ếch tí hon tại Campuchia và một loài thằn lằn với bộ da đốm màu xanh nhạt cùng đôi mắt có khả năng nhìn xuyên bóng tối,ẩn mình trong các dãy núi của Lào. Với 163 loài, tổng số loài mới được phát hiện trong khu vực là 2.409 kể từ năm 1997 khi WWF bắt đầu đưa ra báo cáo tổng hợp các loài mới được phát hiện hàng năm, bao gồm các loài thực vật, chim, động vật có vú, bò sát, cá và các loài lưỡng cư.
Loài Dơi mới được phát hiện tại Tây Nguyên, Việt Nam (ảnh do WWF cung cấp) |
Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng hiện đang chịu áp lực phát triển bởi khai khoáng, mở rộng đường xá, phát triển đập thủy điện- những yếu tốchính đe doạ tới sự tồn tại của các cảnh quan – điều tạo nên sự đặc biệt của khu vực. Nạn săn bắt phục vụ nhu cầu của thị trường thịt thú rừng hoặc các đường dây buôn bán trái phép các loài hoang dã trị giá hàng tỷ đô la đang tạo thêm áp lực cho các loài động thực vật hoang dã trong khu vực. Nhiều loài có thể biến mất vĩnh viễn trước khi chúng được phát hiện.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia có độ đa dạng sinh học cao trong khu vực và sự phát hiện của 87 loài trong năm 2015 cho thấy vẫn còn rất nhiều tiềm ẩn về giá trị đang dạng sinh học để chúng ta tiếp tục khám phá. Nhưng chúng hiện đang phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ động thực vật hoang dã lớn của Việt Nam vànạn buôn bán trái phép trên toàn cầu. Có rất nhiều người giàu có sẵn sàng trả hàng ngàn đô la để có được những loài hiếm nhất, độc đáo nhất và bị đe doạ tuyệt chủng ở mức độ cao nhất. Tại nhiều nơi, các chợ buôn bán động thực vật hoang dã quý hiếm trái phép hoạt động ngang nhiên. Mất sinh cảnh sống và ô nhiễm cũng tác động tới các loài hoang dã của Việt Nam. Để bảo vệ các loài này, điều tối quan trọng cần phải làm đó là thắt chặt thực thi pháp luật, chấm dứt săn bắt trái phép, đóng cửa các thị trường buôn bán trái phép và các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm như hổ và gấu.”
Cũng theo ông Thịnh, Báo cáo Các loài kỳ lạ là báo cáo mô tả các loài mới được tìm thấy tại khu vực năm 2015. Thông thường, một loài mới được phát hiện cần phải được mô tả khoa học và được nhiều nhà khoa học xem xét trước khi công bố chính thức. Đây là một quá trình mất nhiều thời gian, do đó khoảng cách từ khi mới phát hiện cho tới khi chính thức công bố một số loài mới trong báo cáo này tương đối xa.
Các loài kỳ lạ là ấn phẩm số 8 trong loạt báo cáo thường niên về các loài mới được phát hiện trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng. Các báo cáo trước đó có thể tìm thấy tại: http://bit.ly/2hwTMF5
Nguyễn Cường