(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu về vấn đề phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Để có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 26/9/2017 tại thành phố Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và sau đó đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, Chính phủ xác định tổ chức triển khai 8 nội dung, nhiệm vụ lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn:
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Rà soát điều chỉnh chiến lược, định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với ba nhóm sản phẩm chủ lực là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo; giảm diện tích trồng lúa và các cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp. Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái.
3. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu đến năm 2025, tập trung giải quyết nâng cao chất lượng giống, thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các nước có nền nông nghiệp hiện đại cho ba nhóm sản phẩm chủ lực: thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo.
4. Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, mang tính đột phá nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao và bền vững; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL; phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, chuỗi giá trị nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển công nghệ sau thu hoạch để giảm tỷ lệ tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
5. Xây dựng ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, có quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao và bền vững. Quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, không chuyển sang các mục đích sử dụng khác, trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định; ưu tiên đầu tư phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven sông, ven biển.
6. Rà soát quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với bối cảnh mới, đảm bảo giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất; xây dựng đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái theo hướng đa dạng hóa nguồn lực và phương thức thực hiện, trong đó chú ý đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư.
7. Xây dựng Đề án bảo vệ bờ biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Xây dựng quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch sử dụng đất ven sông theo hướng dành không gian thoát lũ, xây dựng công trình giao thông kết hợp với đê điều. Bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch kết hợp xây dựng nông thôn mới.
8. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, giúp nông dân thực sự trở thành công nhân nông nghiệp, rút dần lao động nông nghiệp, chuyển sang các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Trên cơ sở kết quả của Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 26-27 tháng 9 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết đã đề cập cơ bản các vấn đề mang tính chiến lược, căn bản, lâu dài đối với phát triển ĐBSCL, đưa ra các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế, liên kết vùng và huy động nguồn lực cho phát triển, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương. Nghị quyết này là cơ sở để triển khai nhiều chương trình, hoạt động của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Trong thời gian tới, Chính phủ sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo yêu cầu của Luật quy hoạch. Quy hoạch vùng được phê duyệt sẽ là cơ sở cho các địa phương lập quy hoạch tỉnh, các Bộ, ngành triển khai các quy hoạch, kế hoạch thực hiện về nông nghiệp, thủy lợi, giao thông, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng ĐBSCL, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng; đầu tư, hoàn chỉnh một số công trình quy mô lớn, tác động toàn vùng, như sớm đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, hoàn thành luồng tàu vận tải lớn vào sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố).
Hoàn chỉnh đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc và Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để thông qua tại Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV, tạo cơ sở pháp lý phát triển đảo Phú Quốc và trở thành động lực phát triển mới của ĐBSCL./.