Hướng dẫn học sinh mầm non cách xử lý hộp sữa đúng cách sau khi sử dụng |
Sáng 27/11, Chương trình “Một giây hành động - Bảo vệ môi trường” đã tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2. Chương trình do Tổ chức “NHC - Hành trình giải cứu rác chết” phối hợp với Tập đoàn Tetra Park và Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương thực hiện, nhằm truyền thông và giáo dục cho các em học sinh về lợi ích của phân loại và tái chế rác thải; thực hành phân loại vỏ hộp sữa giấy - một loại rác thải sinh hoạt thân thuộc mà gần như em nhỏ nào cũng đang hàng ngày bỏ chung vào thùng rác sinh hoạt gây lãng phí.
Chương trình được thiết kế dành cho các em nhỏ, nên thông điệp và nội dung truyền thông về bảo vệ môi trường được xây dựng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành; để các em dần dần hình thành thói quen tốt và có ý thức nhiều hơn đối với các hành vi sống thân thiện với môi trường.
Cụ thể, các em học sinh được hướng dẫn xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ đúng nơi quy định. Sau đó, Tổ chức NHC sẽ thực hiện thu gom và chuyển về nhà máy tái chế để trở thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp và tấm lớp, tấm phẳng sinh thái…
Cô giáo Nguyễn Thị Anh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 7 (quận Phú Nhuận), cho biết ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai chương trình cho toàn thể giáo viên, phụ huynh và các em học sinh cùng tham gia và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều em còn mang vỏ hộp sữa đã dùng ở gia đình đến trường để giao nộp. Dù chỉ là hành động nhỏ nhưng điều này đã hình thành ý thức bảo vệ môi trường ngay từ bé cho các em học sinh, đặc biệt có sự lan tỏa, góp phần thay đổi thói quen hàng ngày cho những người lớn.
Hiện nay, TP.HCM có hơn 1.000 trường mầm non công lập và ngoài công lập với trên 350.000 học sinh. Nếu tính trung bình mỗi em uống 1 hộp sữa/ngày thì mỗi tháng có hơn 10 triệu vỏ hộp sữa giấy đang bị lãng phí, trong khi vỏ hộp sữa giấy là sản phẩm thân thiện với môi trường và hoàn toàn có thể tái chế và tái sử dụng. Còn số vỏ hộp sữa giấy thải bỏ hàng tháng còn lớn hơn nữa với các em học sinh tiểu học và các tỉnh thành khác trên toàn quốc.