55% trong số 14.452 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả

20/07/2019 19:34

(TN&MT) - Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức diễn ra vào sáng 20/7, tại Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tới dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, 42 địa phương và một số Hợp tác xã nông nghiệp.

Vuong dinh hue
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng Khóa IX đã đánh giá đúng tình hình, nêu ra được các nội dung và giải pháp cốt lõi để giải quyết các vướng mắc, yếu kém và triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT, hợp tác xã. Nhiều nội dung cho đến nay vẫn cần được tiếp tục triển khai thực hiện.
 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp, yêu cầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết 13 - NQ/CP. Những nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện mà Nghị quyết đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp đã được triển khai thực hiện đồng bộ. Trong quá trình tổ chức thực hiện có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết và đánh giá đầy đủ.

Bộ đã gắn chặt việc thực hiện nội dung Nghị Quyết 13 - NQ/CP với nhiệm vụ triển khai thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Xây dựng Nông thôn mới. Xác định rõ nhiệm vụ Tổ chức lại sản xuất mà trọng tâm là phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới là 01 trong 03 trụ cột của Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời tham mưu để Chính phủ đưa tiêu chí phát triển hợp tác xã vào Bộ tiêu chí quốc gia xã xây dựng Nông thôn mới (Tiêu chí số 13).

a
Quang cảnh Hội nghị

 

Nhiều địa phương có điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn nhưng để phát triển sản xuất hàng hóa, vẫn có nhu cầu phát triển các hợp tác xã nông nghiệp và với sự quan tâm hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, kinh tế hợp tác xã ở các địa phương này đang phát triển khá tốt.

Kết quả việc triển khai Nghị quyết 13 - NQ/CP trong ngành nông nghiệp là khá rõ và toàn diện từ việc chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết của việc phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp đến những vấn đề đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp. Chính phủ đã liên tục sửa đổi và ban hành các chính sách mới, cải thiện môi trường thể chế và tổ chức lại bộ máy để thực hiện nhiệm vụ.

Điển hình, về tổ hợp tác trong nông nghiệp, tính đến 31/12/2018 cả nước có 39.354 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt 21.715 tổ, chăn nuôi 2.431 tổ, lâm nghiệp 176 tổ, thủy sản 2.360 tổ, diêm nghiệp 73 tổ, nước sạch nông thôn 360 tổ, 12.239 tổ hoạt động tổng hợp), so với năm 2003 tăng 32.759 tổ; trong đó số tổ hợp tác có chứng thực hợp đồng hợp tác là 26.978 tổ, chiếm 68,6 %; số tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả là 17.456 tổ (chiếm 44,4%). Tổng số tổ viên tổ hợp tác là 638.237 người, bình quân 16 tổ viên/tổ hợp tác. Ưu điểm của tổ hợp tác là tổ chức bộ máy gọn nhẹ, đáp ứng nhu cầu hợp tác của một số ít hộ nông dân; đây là nguồn để các địa phương phát triển hợp tác xã khi các hộ nông dân có nhu cầu hợp tác ở mức độ cao hơn. Thực tế mỗi năm cả nước có từ 1-3% số tổ hợp tác (tương đương 400 đến 1000 tổ hợp tác) đăng ký thành lập hợp tác xã nông nghiệp.

Về hợp tác xã nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây và  đang có nhiều tiềm năng phát triển, cụ thể: Đến hết năm 2018 cả nước có 13.856 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 5.769 hợp tác xã so với năm 2003 (trong đó thành lập mới 9.391 hợp tác xã, giải thể 3.643 hợp tác xã, 21 hợp tác xã chuyển từ phi nông nghiệp sang). Bình quân 01 tỉnh có 220 hợp tác xã, trong đó lớn nhất là Đồng bằng sông Hồng bình quân 362 hợp tác xã/tỉnh; tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung bình quân 259 hợp tác xã/tỉnh, Trung du miền núi phía Bắc bình quân 223 hợp tác xã/tỉnh, Tây Nguyên bình quân 161 hợp tác xã /tỉnh, Đồng bằng sông cửu Long bình quân 139 hợp tác xã/tỉnh; ít nhất là vùng Đông Nam Bộ 85 hợp tác xã/tỉnh. Các hợp tác xã hoạt động tổng hợp (chiếm 49,47%), số còn lại 50,53% hoạt động theo chuyên ngành...

htx
Các cá nhân, tập thể được biểu dương tại hội nghị. Ảnh: VGP

Nhìn chung, kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới. Đến hết 30/06/2019 cả nước đã có 14.452 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 55% hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt, mô hình hoạt động của hợp tác xã đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thị trường. Nhiều hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng được chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn tới, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới vẫn là xu hướng lựa chọn phát triển, đặc biệt là đối với cư dân nông nghiệp, nông thôn; là phương thức để cư dân nông nghiệp, nông thôn thoát nghèo và vươn lên làm giàu…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025  sẽ thành lập mới khoảng 8.000 hợp tác xã; Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển, phấn đấu có khoảng 20.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; Thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có tối thiểu 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Mục tiêu giai đoạn 2025-2030 sẽ thành lập mới khoảng 4.000 hợp tác xã; Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển, phấn đấu có khoảng 25.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; Thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có trên 70% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh kết quả triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW trong ngành nông nghiệp là khá rõ và toàn diện từ việc chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết phát triển HTX trong nông nghiệp đến những vấn đề đặc thù của KTTT, HTX trong nông nghiệp. 

“Ở nhiều địa phương, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nông dân phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu, có dịch vụ hỗ trợ nông dân thích ứng với điều kiện canh tác, nuôi trồng. Kết quả thể hiện ra là hiệu quả của HTX không chỉ gia tăng số liệu về thành viên, doanh thu, lợi nhuận mà nhiều HTX đã giúp gia tăng thu nhập cho các thành viên. 55% HTX hoạt động hiệu quả đã gia tăng thu nhập cho thành viên lên 20%. Còn trong 50 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao đã giúp gia tăng thu nhập cho thành viên lên 35%/năm. Đó chính là hiệu quả cuối cùng của KTTT kiểu mới, khác với mô hình kiểu cũ”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, KTTT, HTX vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Theo đó, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết còn chậm, ở nhiều thời gian, thời điểm chưa quyết liệt. Công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo. Số cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo trình độ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 46%). Số lượng HTX đã phát triển về lượng và chất nhưng chưa đồng đều và mới tập trung chủ yếu là cung cấp dịch vụ đầu vào. 

Bên cạnh đó, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; ở nhiều địa phương, công tác quản lý nhà nước đối với HTX NN còn chồng chéo; thiếu nguồn lực, chính sách hỗ trợ HTX...

Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò quan trọng của các HTX nông nghiệp kiểu mới trong tổ chức, hỗ trợ nông dân và thành viên gia tăng giá trị sản xuất, kinh doanh và kết nối các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao.

Cho rằng chính sách hỗ trợ cho phát triển HTX rất nhiều (Nghị quyết 13 nêu 6 loại chính sách) nhưng chưa đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng  chỉ ra nguyên nhân chính là do “cuộc sống không đi vào chính sách”, cho nên chính sách không thể đi vào cuộc sống; làm chính sách cho nông nghiệp mà không gắn sát với đời sống người dân, còn có tình trạng duy ý chí, áp đặt, không thực tiễn.

Để khắc phục hạn chế của mô hình HTX kiểu cũ và phát huy lợi ích từ mô hình mới, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò quan trọng của KTTT, HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng; tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh truyền thông cho các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội hiểu rõ tầm quan trọng, vai trò tất yếu của KTTT mà nòng cốt là các HTX đối với sản xuất nông nghiệp, bản chất HTX kiểu mới; các mô hình HTX hiệu quả gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản, HTX nông nghiệp do thanh niên khởi nghiệp thành công, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo điều kiện để các HTX tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cán bộ và thành viên HTX gắn với đề án đào tạo nghề cho khu vực nông thôn theo hướng tạo nguồn cán bộ quản lý chuyên nghiệp cho HTX.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, giúp cho kinh tế hộ phát triển; tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX- nông dân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo; phổ biến, triển khai nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới có hiệu quả và sức lan tỏa cao, đồng thời chuẩn bị tổng kết Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh phát triển KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phát triển các HTX sản xuất sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ xuất khẩu.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể về ban hành các chính sách mới phù hợp với thực tế, khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX và với các bộ ngành, địa phương  để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
55% trong số 14.452 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO