Ông Tố đã níu giữ nghề xăm hường trên đất Huế suốt 40 năm qua |
Theo ông Tố, trò chơi này có từ thời nhà Nguyễn. Sau này phổ biến ra bên ngoài Hoàng cung, được xem là trò chơi dân gian, nhiều người dân biết đến.
Đổ xăm hường là trò chơi gieo con xúc xắc (còn gọi là hột tào cáo, hột xí ngầu) để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa, gồm: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên.
Mỗi bộ xăm hường gồm 63 chiếc thẻ. Thẻ cao nhất là trạng nguyên (1 thẻ), có giá trị là 32 điểm. Tiếp theo là 1 thẻ bảng nhãn và 1 thẻ thám hoa (16 điểm/thẻ); 4 thẻ hội nguyên (8 điểm/thẻ), 8 thẻ tiến sĩ (4 điểm/thẻ), 16 thẻ cử nhân (2 điểm/thẻ) và 32 thẻ tú tài (1 điểm/thẻ).
Hút phèo xong điếu thuốc, ông Tố kể về cơ duyên để thành người thợ lâu năm trên đất Cố đô. Ông cho biết mình đam mê thẻ xăm hường từ khi còn bé. Vào những ngày Tết, người thân và hàng xóm chơi trò này.
Ông thấy hay, thẻ xăm lại rực rỡ khiến ông thích thú và tập khắc dần dần. Rồi ông làm được một bộ và ai ai cũng khen đẹp, bắt mắt và có hồn.Vậy là từ đó, ông đã gắn bó với nghề xăm hường.
Những thẻ xăm hường đẹp mắt được ông Tố tạo ra bằng tất cả sự tâm huyết |
Trước đây, những bộ xăm hường của ông Tố chủ yếu làm bằng gỗ và tre, nhưng độ bền không cao nên sau này chuyển qua làm bằng xương. Xương động vật sau khi cưa thành phẩm được đem nấu hàng giờ đồng hồ.
Các thẻ sẽ được khắc hình ảnh các ông Trạng, chữ Hán Nôm và nhuộm màu sao cho bắt mắt. Màu đỏ và màu xanh thương là hai màu chính. Sau đó, các thẻ sẽ được mài bóng.
Cách đây hơn 10 năm, để các thẻ xăm hường được trở nên cân đối, đẹp mắt hơn, ông Tố đã tạo ra máy khắc chia tỉ lệ. Nhờ chiếc máy khắc do tự ông sáng chế, giai đoạn khắc hình lên thẻ hường thuận tiện hơn, khắc chính xác hơn, tiến độ cũng nhanh hơn.
Cách chơi xăm hường khá rắc rối với nhiều luật lệ. Ông Tố cho biết, trò chơi dùng 6 con súc sắc, mỗi con có 6 mặt khắc các dấu chấm theo thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, trong đó mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ (hường), các mặt khác được tô màu đen. Khi chơi, người ta gieo cả 6 con súc sắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ vào các mặt hiện ra để tính điểm để nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp. Người chơi có thể là 4, 5 hay 6 người đều được. Và tùy theo số người chơi để định ra các luật như bán trạng, mua trạng và định mức độ ăn thua.
Dù thu nhập không cao, sản phẩm làm ra đòi hỏi tỉ mỉ và lại ít được nhiều người biết, thường cuối năm mới có người mua, thế nhưng đã hơn 40 năm qua, ông Tố chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề.
“Người ta thường chơi trò này nhiều vào những ngày Tết để lấy may. Dịp Tết tôi mới bán được hàng hơn, thường được khoảng 300 bộ xăm hường, một bộ làm bằng xương có giá 350 ngàn, khách mua chủ yếu là lứa tuổi trung niên...”- ông Tố cho hay.
Cũng theo ông Tố, đây không chỉ là một nghề đơn thuần mà còn là thú vui tao nhã, mang đặc trưng của xứ Huế. Trước đây ở Huế có một vài người làm nghề khắc xăm hường, nhưng đã dần bỏ nghề, chỉ còn ông là quyết đeo bám trụ.
Một điều khiến ông trăn trở là muốn có người để truyền lại nghề. “Nếu bạn trẻ nào muốn học tôi sẵn sàng dạy ngay. Nếu tôi mà mất thì nghề này chắc sẽ thất truyền. Tiếc lắm”- ông Tố tâm sự.
Bà Phan Thị Cúc- Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc (TP. Huế) cho biết, nghề xăm hường rất hay. Trên địa bàn hiện nay chỉ còn duy nhất ông Tố là người còn hành nghề chế tác xăm hường, có lẽ ở Cố đô cũng ít người như ông.
Bài & ảnh:Thế Anh – Quỳnh Anh