3 địa phương có bước tiến mới trong bảo tồn đa dạng sinh học

Khắc Vĩnh| 18/01/2021 17:38

(TN&MT) - ​​​​​​​3 hành lang bảo tồn đa dạng sinh học,7 khu bảo tồn được thiết lập, 7 Kế hoạch quản lý hoạt động của 7 Khu bảo tồn thiên nhiên đã được thiết lập... Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” (Dự án BCC) và Dự án “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam (Dự án BCC - GEF) do Bộ TN&MT tổ chức.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Giám đốc Dự án BBC và BCC- GEF Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Dự án BBC đã đạt được những kết quả rõ nét, 35 xã thuộc 6 huyện (Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị), huyện Tây Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), huyện A Lưới và Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã nhận được các nguồn tài chính để cải thiện sinh kế và xây dựng 75 công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, 3 hành lang bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh đã được thành lập và quản lý với diện tích hơn 298.000ha, kết nối với diện tích 7 khu bảo tồn được thiết lập trên 223.000ha, tạo thành cảnh quan hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh với tổng diện tích trên 521.000ha (đạt 98,5% mục tiêu). Hơn 4.624ha rừng được phục hồi, đạt 77% mục tiêu, gồm trồng mới bằng cây bản địa, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, trồng làm giàu rừng. Hoạt động trồng rừng sinh kế dựa vào rừng được thiết lập đạt 1.344ha, tương đương 112% mục tiêu; 37 Ban quản lý rừng cộng đồng được thành lập, phục hồi.

 

Đối với Dự án BCC-GEF đã mở rộng phạm vi Dự án ban đầu để tăng cường quản lý và duy trì tính toàn vẹn sinh thái của hệ thống khu bảo tồn và vùng xung quanh tại cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam. Các kết quả nổi bật của Dự án BCC-GEF đó chính là UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1681/QĐ-UBND phê duyệt thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh với diện tích 14.883 ha (đạt 87,5% diện tích mục tiêu); 7 Kế hoạch quản lý hoạt động của 7 Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Đakrông, Phong Điền, Sao La - Thừa Thiên - Huế, Ngọc Linh - Quảng Nam, Sao La - Quảng Nam và VQG Sông Thanh đã được cấp có thẩm quyền tại địa phương thông qua và tổ chức triển khai các hoạt động ưu tiên với sự phê duyệt của các Ban Quản lý Dự án tỉnh.

Đặc biệt, tại 3 tỉnh đã hoàn thành việc phê duyệt Kế hoạch bảo tồn loài mục tiêu của từng tỉnh, xác định mục tiêu của việc thiết lập hành lang đa dạng sinh học (tỉnh Quảng Trị là loài voọc chà vá chân nâu; Thừa Thiên - Huế là loài trĩ sao và Quảng Nam là vượn má vàng Trung Bộ. Bên cạnh đó, các địa phương ưu tiên các hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; tuần tra tháo gỡ bẫy; hỗ trợ cây, con giống cho cộng đồng, mua sắm trang thiết bị tuần tra rừng, mua sắm vật tư phục vụ phát triển sinh kế cộng đồng.

Cụ thể, có 23 cộng đồng dân cư thuộc 5 lưu vực thủy điện mới của tỉnh Thừa Thiên - Huế được hưởng lợi từ việc hỗ trợ xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; 11/37 thôn có rừng cộng đồng được thiết lập trong Dự án BCC chưa được hưởng PFES trước năm 2018 đã được chi trả vào năm 2020; 3 quy chế Quản lý bảo vệ rừng và 3 quy chế hoạt động của ban giám sát cộng đồng về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai xây dựng tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị…

Thành tựu của Dự án sẽ tạo tiền đề cho địa phương tiếp tục thực hiện các kế hoạch quản lý đã được phê duyệt từ hai dự án trong 5 năm, định hướng 10 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 địa phương có bước tiến mới trong bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO