25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc: Thực hiện nhiều đột phá trong công tác cán bộ

Việt Hùng - Phạm Thiệu| 23/12/2021 17:01

(TN&MT) - Trọng tâm của tỉnh Vĩnh Phúc là đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm; từng bước đổi mới có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ thông qua việc đánh giá đa chiều.

Công tác xây dựng Đảng có trọng tâm, trọng điểm

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ Đại hội (từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nhiệm kỳ Đại hội XVII). Mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập tỉnh đến nay là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển, trong đó ngay từ Đại hội XII (1997) đã xác định: Tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức.

Mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển

Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục đổi mới, ngày càng toàn diện, sâu sắc và hiệu quả. Tỉnh ủy tập trung xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Các chỉ tiêu xây dựng đảng và hệ thống chính trị đều đạt và vượt mục tiêu Đại hội đề ra.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006, Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011, Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương của Đảng được chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng, được Trung ương đánh giá cao.

Công tác tư tưởng góp phần tạo sự đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm”. Công tác dân vận đổi mới theo hướng sát dân, sát cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo triển khai quyết liệt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, trong sạch. Thực hiện tốt việc đối thoại, tiếp dân giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Hệ thống tổ chức đảng ngày càng được phát triển, củng cố, kiện toàn, khi mới tái lập tỉnh có 474 tổ chức cơ sở đảng với 3,7 vạn đảng viên, đến nay tỉnh đã phát triển được 598 tổ chức cơ sở đảng với trên 7 vạn đảng viên.

Nhiều đột phá trong công tác cán bộ

Vĩnh Phúc cũng là một trong những tỉnh thực hiện nhiều đột phá trong công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trọng tâm là đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Từng bước đổi mới có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ thông qua việc đánh giá đa chiều; từ năm 2013, tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn thấp hơn định mức tối đa theo quy đinh;

Công tác cán bộ của Vĩnh Phúc có nhiều đột phá

Đặc biệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho bí thư, chủ tịch các huyện, thành ủy và lãnh đạo một số sở, ngành; trên cơ sở đó thực hiện đánh giá cán bộ bằng sản phẩm theo nội dung Quy định số 371-QĐ/TU, ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây được coi là bước đột phá để khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ.

Công tác tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đạt nhiều kết quả quan trọng. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thực hiện Đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2016-2021 (Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016).

Đề án được ban hành trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” gần 1 năm. Đến nay, toàn tỉnh giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 272 thôn, tổ dân phố; giảm 03 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, 208 phòng, ban và tương đương cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 461 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp so với thời điểm 30/11/2016; cắt giảm 2.796 biên chế và hỗ trợ thôi việc theo cơ chế của tỉnh cho 2.303 biên chế; tinh giản 11.473 người hoạt động không chuyên trách.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc: Thực hiện nhiều đột phá trong công tác cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO