2 nữ sinh chế tạo chiếc mũ “thông minh” hạn chế tai nạn điện

01/01/2018 13:24

(TN&MT) - Nhằm giảm thiểu rủi ro do tai nạn lao động trong ngành điện lực gây ra, hai em học sinh ở Huế đã sáng chế chiếc mũ cảnh báo khoảng cách an toàn điện...

Chiếc mũ cảnh báo khoảng cách an toàn điện
Chiếc mũ cảnh báo khoảng cách an toàn điện

Đó là sản phẩm thông minh của hai nữ sinh Thân Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Ngọc Bảo Quỳnh, trường THCS Tố Hữu (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Nói về lý do tạo nên chiếc mũ, Quỳnh cho hay từ lâu tai nạn lao động điện trở thành vấn đề nhức nhối trong ngành điện lực và những ngành liên quan đến điện như viễn thông, truyền hình cáp... Và đã có các phương án, những quy tắc, quy trình thi công hệ thống điện được áp dụng để đảm bảo an toàn cho công nhân. Nhưng tai nạn, sự cố vẫn cứ liên tục xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do công nhân khi trèo lên trụ điện đã tiếp xúc trực tiếp với dây dẫn điện đang có dòng điện chạy qua.

“Nhằm hạn chế đến mức tối đa những tai nạn đáng tiếc do dòng điện, chúng em muốn tạo ra sản phẩm mũ bảo hộ cảnh báo khoảng cách an toàn điện...”- Quỳnh nói.

Sau khi có ý tưởng, bắt đầu từ tháng 5/2016, hai em bắt tay tìm hiểu, vẽ sơ đồ nguyên lý mạch cảm ứng điện từ trường, thiết kế, lắp mạch điện từ trường, gắn mạch, hoàn thiện cấu tạo sản phẩm, sau đó thử nghiệm sản phẩm. Sản phẩm được hoàn thiện sau gần nữa năm...

Để hạn chế chi phí, tất cả các linh kiện của thiết bị được các em tận dụng từ những vật liệu bỏ đi như lấy từ bộ mạch điện của màn hình vi tính loại CRT đời cũ, mua mũ bảo hộ lao động cũ...

Nguyên tắc vận hành của sản phẩm khá đơn giản. Khi mũ di chuyển đến một khoảng cách nhất định gần từ trường, xung quanh dây dẫn có dòng điện xoay chiều chạy qua, loa điện áp trong mũ sẽ phát ra âm thanh cảnh báo để báo động cho người sử dụng và tránh được tai nạn.

Sau quá trình thử nghiệm, các em thu nhận được kết quả tốt. Cụ thể, khi để sản phẩm ở điện lưới trong nhà (hiệu điện thế là 220V), khoảng cách loa bắt đầu báo âm thanh là 30cm. Khi để sản phẩm ở điện lưới ngoài trời (hiệu điện thế là 220V), khoảng cách loa bắt đầu báo âm thanh là 50cm. Còn khi để sản phẩm ở điện lưới ngoài trời (hiệu điện thế là 380V), khoảng cách loa bắt đầu báo âm thanh là 200cm.

Em Bảo Quỳnh với chiếc mũ “thông minh” của mình
Em Bảo Quỳnh với chiếc mũ “thông minh” của mình

Khi được hỏi về ưu điểm của sản phẩm, Thanh Nhàn cho biết, chúng em tự thiết kế và lắp đặt công nghệ cảm ứng điện tử trường vào mũ bảo hộ lao động nên khả năng phòng chống tai nạn điện rất cao. Ngoài ra, sản phẩm có thiết kế đơn giản, nguyên vật liệu chính để làm sản phẩm được tận dụng từ phế liệu nên giá thành rất rẻ (tốn 50.000 đồng mua mũ bảo hộ lao động), dễ làm với chi phí thấp nên có khả năng nhân rộng rất cao...

“Sản phẩm phát hiện được dòng điện xoay chiều ở một khoảng cách giới hạn nhất định, đảm bảo độ nhạy, độ chính xác cao, qua đó đảm bảo an toàn tối đa cho người sử dụng...”- Thanh Nhàn hào hứng.

Cũng theo các em, hiện trên thị trường đã có một số loại mũ bảo hộ sử dụng cho công nhân ngành điện và các ngành có liên quan đến điện, nhưng các loại mũ này chỉ giới hạn ở chức năng ngăn cản dây điện chạm trực tiếp vào đầu của người sử dụng chứ không như sản phẩm của hai em.

Thầy Nguyễn Đắc Lực (Hiệu trưởng trường THCS Tố Hữu) cho biết, hai em Quỳnh và Nhàn có tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học. “Theo tôi tìm hiểu, mũ bảo hộ cảnh báo khoảng cách an toàn điện của hai em chưa có trên thế giới. Vừa qua, sản phẩm đã được thử nghiệm và hoạt động tốt. Đây là sản phẩm hữu ích, mang lại hiệu quả tốt, có khả năng áp dụng cao và nhân rộng...”- thầy Lực chia sẻ.

Sản phẩm của các em đã giành được giải Nhì cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP. Huế năm 2017, giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng TP. Huế năm 2017.

“Dự định chiếc mũ sẽ được nâng cấp, hoàn thiện hơn. Chúng mình cũng muốn tạo ra nhiều sản phẩm khác nữa để phục vụ cuộc sống...”, hai em bộc bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
2 nữ sinh chế tạo chiếc mũ “thông minh” hạn chế tai nạn điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO