Nhiệt độ trên toàn cầu ngày càng tăng do tình trạng biến đổi khí hậu |
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Lancet Planetary Health, 9,4% số ca tử vong trên thế giới trong 2 thập kỷ qua có thể liên quan đến nhiệt độ khắc nghiệt. Trong đó, phần lớn số ca tử vong là do thời tiết lạnh.
Ở khu vực Đông Nam Á, khoảng 190.000 ca tử vong mỗi năm, nguyên nhân được cho là do “nhiệt độ không mong muốn nhất”, với khoảng 89% trong số đó liên quan đến nhiệt độ lạnh. Tuy vậy, xu hướng này đang thay đổi trong khu vực, khi số người chết liên quan đến nắng nóng đang gia tăng.
Ông Yuming Guo, tác giả của báo cáo và là Giáo sư về Thống kê Sinh học và Sức khỏe Môi trường Toàn cầu tại Đại học Monash ở Australia đánh giá, nhiệt độ lạnh là một vấn đề lớn hơn so với nhiệt độ nóng, nhưng biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm hiện tượng nắng nóng do nhiệt độ cao.
“Báo cáo là nguồn thông tin hữu hiệu cho các cấp chính quyền khác nhau về số người thiệt mạng do nhiệt độ nóng và lạnh. Họ có thể xây dựng kế hoạch mang tầm chiến lược nhằm bảo vệ người dân trong tương lai. Ngày nay, nhiều người nhận thấy rằng, nhiệt độ là nguy cơ đối với sức khỏe con người, đặc biệt là nhiệt độ tăng và giảm mạnh”, ông Yuming Guo cho biết.
Đây là nghiên cứu đầu tiên liên kết trực tiếp các ca tử vong với nhiệt độ trên quy mô toàn cầu, bằng cách phân tích dữ liệu từ 43 quốc gia và 750 thành phố trên toàn thế giới. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tử vong do nắng nóng ở châu Âu trong giai đoạn 2001 - 2019 chiếm tỷ lệ cao nhất, trong khi đó, châu Phi cận Sahara bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thời tiết lạnh bất thường.
Ông Yuming Guo cho biết: “Dữ liệu bao gồm các vùng khí hậu khác nhau và có thể được mở rộng sang những quốc gia khác mà không cần dữ liệu. Có thể kết hợp mối liên quan với thời tiết địa phương và tỷ lệ tử vong tại địa phương để tính toán tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ ở mọi khu vực trên toàn cầu”.
Thế giới đang tiếp tục nóng lên với tốc độ nhanh chóng. Theo dự báo của Công cụ Theo dõi Hành động Khí hậu (Climate Action Tracker), nhiệt độ sẽ ấm lên 2,9 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100, dựa trên các chính sách hiện tại trên thế giới.
Ngoài ra, nghiên cứu do ông Yuming Guo dẫn đầu cũng cho thấy, nhiệt độ môi trường xung quanh hàng ngày trên toàn cầu gia tăng với tốc độ trung bình là 0,26 độ C mỗi thập kỷ trong thời gian thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù các quần thể dân số có thể dần thích nghi với hiện tượng nhiệt độ bất thường, nhưng các hiện tượng cực đoan trầm trọng thêm do tình trạng biến đổi khí hậu có thể trực tiếp gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người. Điển hình, các đợt nắng nóng gay gắt đổ bộ khắp Bắc bán cầu trong những tuần gần đây đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở một số quốc gia.