Đây là lần thứ hai Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở TN&MT TP Hà Nội tổ chức Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Cuộc thi đã tiếp nhận được 525 bài viết từ 317 tổ chức và cá nhân, với 19 loạt bài và 506 tác phẩm đơn lẻ. Trong đó có 13 loạt bài đăng tải trên các báo Trung ương và Hà Nội; 6 loạt bài đăng trên Báo Kinh tế và Đô thị. Tác phẩm đơn lẻ đã có 81 bài được chọn đăng trên Báo Kinh tế và Đô thị, 42 bài đăng tải trên các báo Trung ương và Hà Nội, thời gian đăng từ 1/7/2021-15/6/2022, được gửi tới Cuộc thi. Nội dung tác phẩm dự thi đã đáp ứng yêu cầu đặt ra của Cuộc thi, được thể hiện với nhiều thể loại khác nhau: Phản ánh, phóng sự, điều tra, Longform, eMagazine, Multimedia, Megastory,...
Các tác phẩm dự thi tập trung vào 5 chủ đề chính: phản ánh và đề xuất các giải pháp xử lý rác thải theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020; phản ánh, biểu dương các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có các hoạt động nổi bật bảo vệ môi trường; phản ánh về ô nhiễm không khí, sông hồ, làng nghề; phản ánh về đô thị xanh; phản ánh về công tác quy hoạch cho lĩnh vực liên quan tới môi trường. Qua đó góp phần nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, tổ chức và người người dân trong việc bảo vệ môi trường Thành phố.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Thời gian qua, các cấp, ngành và thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi biến đổi khí hậu như: tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng môi trường không khí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn Thành phố…
Thông qua Cuộc thi, ông Nguyễn Trọng Đông mong muốn tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường thủ đô với những hành động cụ thể, thiết thực. Ông cũng chính thức kêu gọi người dân, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tiếp tục tham gia Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội lần thứ III” được tổ chức trong năm 2022-2023.
Chia sẻ về Cuộc thi, Trưởng Ban tổ chức – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, mặc dù Cuộc thi diễn ra vào thời điểm dư âm của dịch Covid-19 trong đời sống, kinh tế - xã hội còn ảnh hưởng nặng nề, gây nhiều gián đoạn nên thời gian kể từ khi phát động đến khi kết thúc nhận bài chỉ hơn 3 tháng (11/3 - 15/6), nhưng kết quả Cuộc thi đạt được đã vượt ngoài mong đợi về cả quy mô, chất lượng nội dung và thành phần tham dự. Điều đó cho thấy sự quan tâm, ủng hộ của độc giả cả nước với các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Cuộc thi lần này đã trải qua 2 vòng thi, trong đó có 45/525 tác phẩm vào vòng sơ khảo và 33/45 tác phẩm vào vòng chung khảo. Sau 10 ngày làm việc nghiêm túc và khách quan, công tâm, Hội đồng chung khảo đã chọn ra 16 tác phẩm đạt giải thưởng.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, thời gian qua, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều phương án để ứng phó trước những tác động của biến đổi khí hậu; khắc phục tình trạng ô nhiễm về ô nhiễm môi trường nước, rác thải sinh hoạt, ô nhiễm khí thải, tiếng ồn... Đồng hành cùng Thành phố, Báo Kinh tế và Đô thị thời gian qua cũng đã tuyên truyền sâu rộng trên các ấn phẩm của báo Kinh tế & Đô thị và đã mở chuyên trang về Môi trường, nhằm tuyên truyền sâu hơn về các lĩnh vực môi trường.
“Với tâm thức đó, Cuộc thi là một trong những cơ hội để phát đi thông điệp kêu gọi người dân, doanh nghiệp và các đồng nghiệp cùng nhau nhân lên những hành động bảo vệ môi trường cho Thủ đô ngày càng xanh - sạch đẹp và văn minh”, Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Trao đổi về Cuộc thi, đại diện nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi năm nay “Ao, hồ tại Hà Nội bị "gặm nhấm" trong cơn lốc đô thị hóa” - Nhà báo Phạm Giang, Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường chia sẻ: Là một người dân đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội, chị cảm thấy rất lo lắng khi diện tích ao hồ, những không gian xanh của thủ đô ngày càng bị thu hẹp. Với góc độ người cầm bút, chị cùng các đồng nghiệp tại Tạp chí Kinh tế Môi trường muốn làm gì đó để nêu lên thực trạng việc biến mất của các ao hồ trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, tác phẩm đã ra đời nhằm cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng thể về vấn đề “bê tông hóa” ao hồ.
Trong khuôn khổ Cuộc thi, UBND TP Hà Nội đã trao Bằng khen cho 2 cá nhân và 3 tập thể đã có đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường của TP và sự thành công của Cuộc thi.
Một “tác phẩm” khá đặc biệt tham dự Cuộc thi lần này đó là “Hãy là người công dân văn minh: Vì một Hà Nội xanh – sạch- đẹp” của chị Phạm Thị Hòa (Tổ môi trường 6, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hai Bà Trưng) dày đến 171 trang, chia sẻ dưới dạng bài viết và hình ảnh thực tế trong thời gian dài về công việc hàng ngày của từng công nhân trong tổ vệ sinh mà chị đang công tác (địa bàn phường Quỳnh Lôi). Cùng đó, chị cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục; những giải pháp, những việc mà cán bộ và nhân dân phường Quỳnh Lôi đang làm để bảo vệ môi trường. Tác phẩm được in màu, trình bày công phu với bố cục rõ ràng từ bài giới thiệu tới hình ảnh, được chị đóng thành quyển cẩn thận cho thấy tâm huyết của chị với công tác thu gom rác thải và bảo vệ môi trường. Tác phẩm dài nên không thể đăng báo nhưng “Hãy là người công dân văn minh: Vì một Hà Nội xanh – sạch- đẹp” thực sự là cuốn tư liệu quý để có thể khai thác trong công tác truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội một cách hiệu quả.