Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, năm 2020, số lượng dữ liệu ảnh viễn thám do các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đề nghị cung cấp tăng lên so với những năm trước.
Đa số các đơn vị yêu cầu cung cấp tập trung chủ yếu là ảnh VNREDSat-1 và ảnh SPOT 6/7 phục vụ cho các nhiệm vụ thành lập bản đồ hiện trạng kiểm kê đất đai 2020; đánh giá tình trạng thổ nhưỡng và chất lượng đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, kiểm soát cháy rừng, đánh giá các loại rừng để làm cơ sở xây dựng Khung giá đất rừng trên địa bàn tỉnh; giám sát ô nhiễm môi trường, thiên tai phục vụ công tác quản lý của ngành thủy sản, hải sản và đánh bắt xa bờ; giám sát tại khu vực biển Đông và khu vực ngoài biên giới phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh; ...
|
Đối với các cơ quan thuộc Bộ TN&MT, ảnh viễn thám được sử dụng để phục vụ các nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước và các dự án điều tra tìm kiếm nguồn nước vùng khô hạn, đặc biệt khó khăn; đánh giá sự thay đổi của lớp phủ bề mặt, đánh giá hiện trạng nguồn nước xuyên biên giới, điều tra về lũ, ngập lụt, áp thấp nhiệt đới phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai.
Cũng theo ông Khánh, từ đầu tháng 10/2020, Cục Viễn thám quốc gia đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của Bộ TN&MT thực hiện việc thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám SPOT 6/7 thông qua trạm thu dữ liệu ảnh viễn thám ảo VRS, thực hiện tiểu dự án 3 “Xây dựng hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám”, thuộc hợp phần I - dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" (dựa án WB9). Đến nay, Cục đã thu nhận được bộ dữ liệu ảnh SPOT 6/7 đạt chất lượng cao phủ trùm toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam.