Hà Nội: Cận cảnh khu thí điểm phân loại rác tại nguồn
Sau gần một tháng thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 23 phường thuộc 5 quận của TP. Hà Nội. Đến nay, 23 phường đã chủ động bố trí các điểm tập kết rác thải.
Theo đó, thời gian thí điểm giai đoạn 1 đến quý I/2025. Sau đó, các quận tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án để tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 trong các tháng còn lại của năm 2025. Việc thí điểm để có số liệu, kinh nghiệm thực tế cho Đề án “Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại nguồn”, trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào năm 2025. Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn đồng loạt trên toàn thành phố trong năm 2026.
Điển hình tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, chất thải được phân thành 4 nhóm, gồm: Chất thải có khả năng tái chế; chất thải cồng kềnh; chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt còn lại (bao gồm chất thải thực phẩm).
Anh Lê Văn Tuân, người dân sống tại khu vực tập kết rác cho biết, việc lập các điểm gom chất thải cồng kềnh như thế này tiện cho người dân trong quá trình xử lý các loại rác thải như bàn ghế, tủ... bên cạnh đó việc phân loại rác giúp mỹ quan đô thị được đẹp hơn, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương phải phân loại rác tại nguồn. Công nhân môi trường sẽ từ chối thu gom rác không phân loại. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt 0,5-1 triệu đồng.
Theo ước tính, Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, đứng thứ hai cả nước chỉ sau TP. HCM. Từ năm 2005, một số phường ở Hà Nội đã thí điểm phân loại rác, tuy nhiên không thể duy trì do chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác sau khi phân loại.
Hình ảnh phóng viên ghi nhận tại các khu thí điểm thu gom rác tại nguồn: