Xã hội

Cây quý trên miền đất quý

Ghi chép của Thư Kỳ - Thanh Ngà 12/10/2023 - 14:14

(TN&MT) - Chúng tôi đặt chân lên Suối Giàng lúc nửa đêm. Khi những bản làng đang chìm trong giấc ngủ.

z4749683367089_fd26783d5b0545cdddc57f40cc1ef506(1).jpg
0u8a6905.jpg

Trong âm âm tiếng rừng, có tiếng sương đêm xao động trên cành lá, tiếng rì rầm rất khẽ từ rừng chè vọng lại. Chè không ngủ. Cả rừng chè đang thức. Đêm tới bình minh là thời gian cây chè hút sinh khí của đất trời.

img_0032.jpg
Niềm vui của người Mông Suối Giàng bên cây trà Shan Tuyết

Những đứa con của thần thường thức về đêm. Trong tâm thức của người dân Suối Giàng, cây chè là con của thần tiên. Cả vùng chè này biết điều đó. Vàng A Mang - một người Mông gắn bó cả đời với “nghiệp” chè cũng bảo thế. Vị tiên nữ đó tên gì không biết nữa, vì muốn bắc chiếc cầu với trần gian nên tuân lệnh của Trời mang các hạt giống cây xuống để ban màu xanh cho đất đai. Gieo từ đỉnh Tà Chì Nhù về đến Suối Giàng thì vừa hay chỉ còn duy nhất một thứ hạt màu nâu bóng cuối cùng. Tiên nữ nhẹ tay thả hạt giống xuống với lời nhắn nhủ cây hãy mang điều tốt lành đến với người dân. Ngày tháng dần trôi. Cây con bắt rễ vào lòng đất, cành cội uống sương đêm, hút khí trời, ngậm tiếng khèn tiếng sáo mà lớn lên. Một ngày nọ, có vợ chồng người Mông đi qua dừng lại nghỉ ngơi. Trong cơn mệt mỏi, người chồng ngắt một chiếc lá cho vào miệng nhấm nháp, thấy hương thơm thanh tao dậy lên da diết, nhấm thêm một chút nữa, thấy vị chát xiết qua đầu lưỡi rồi vị ngọt đọng lại sắt se, mạch máu dường như hưng phấn, mọi giác quan dường như tỉnh thức…

Đấy là ngày đầu tiên cây chè ra mắt, bén duyên với người dân Suối Giàng.

image_yru1636878535.jpg

Khi đó, cả một vùng chè hàng trăm héc ta đã phủ xanh, nhiều gốc cây đã cổ thụ, trắng mốc màu thời gian. Tính ra, vài trăm năm có lẻ.

Cây chè từ đó trở thành thức uống dưỡng sức khỏe, dưỡng tinh thần. Rồi đời nọ nối tiếp đời kia, thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay, cái tên chè Suối Giàng đã nức tiếng gần xa, cả những nhà khoa học trên thế giới đều đinh ninh không chỉ chè Suối Giàng là thủy tổ của cây chè trong nước mà có khả năng, nó còn là thủy tổ của giống chè trên thế giới. Chẳng thế mà từ những năm 1960, Djemukhatze - Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu chè đã thốt lên: “Tôi từng đến 120 nước trên thế giới để nghiên cứu về chè, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè cổ thụ như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh shan tuyết có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”.

18 vị đó là gì thì chúng tôi chưa đủ sức thẩm hết trong một chuyến công tác ngắn ngủi. Nhưng hẳn là, trong đó có vị biết ơn. Theo lời kể của Vàng A Mang thì từ đời cụ đời kỵ đời ông đời cha của A Mang và dân bản đã gắn bó và biết ơn cây chè Suối Giàng, thứ cây đã nuôi sống bao thế hệ người Mông, Dao, Tày, Kinh... và đến hôm nay, làm đổi đời bao gia đình, đổi thay diện mạo Suối Giàng, nhất là từ khi cây chè được địa phương đưa vào quy hoạch với vai trò cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ giữ gìn như một tài sản quý.

z4775015647694_f0d3186c90b48b58c72e3a4be97c3f48.jpg
Ông Vàng A Mang cùng nhóm phóng viên Báo TN&MT đi thực tế tại Suối Giàng ngày 3/10/2023. Ảnh: Việt Hùng
img01.jpg

Đi trong rừng chè cổ, người đàn ông Mông Vàng A Mang say sưa nói về tình yêu của người dân nơi đây với cây chè. Theo lời của A Mang, đồng bào Mông ơn cây chè như ơn vị thần linh, như ơn tổ tiên ông bà cha mẹ đã nuôi sống mình, cho mình cơm ăn áo mặc, cho mình những nếp nhà chắc chắn, tấm chăn ấm mùa đông, con lợn con gà trong chuồng, hạt thóc hạt ngô trong bồ trong cạp… “Đồng bào Mông đơn giản lắm, đồng bào Mông biết rằng cây chè làm ra đủ thứ trên đời nên cây chè là cây biết ơn của người Mông”.

z4775014072243_4d0b2fa941b986e684082b1cdf1661d0.jpg
Ông Vàng A Mang cùng nhóm phóng viên Báo TN&MT đi thực tế tại Suối Giàng ngày 3/10/2023. Ảnh: Việt Hùng

Vì thế nên người Mông và những người dân sinh sống trong vùng đều biết bảo vệ cây chè như bảo vệ đời sống ấm no của mình, của con cháu mình và thế hệ tiếp nối sau này. Họ nghe theo lời của cán bộ mà chăm sóc bảo vệ cây, trồng thêm những vùng cây mới. Họ có thể miệt mài hàng giờ nói chuyện về cây chè, về đời sống, sức khỏe, tập tính yêu thích của cây.

Ví như việc cây chè ưa sống đời thanh khiết mà không chịu bầu không gian hít thở ăn uống dưỡng chất pha tạp, ưa nắng sương mà không chịu chấp nhận sinh sống dưới bóng râm, ưa tự lập mà không cầu lụy sự chăm bón quá đà của con người. Chỉ thế thôi chưa đủ. Người dân nơi đây còn hiểu rằng, đêm mới là đời sống thực của cây. Vì thế, tất cả mọi hoạt động từ thu hái đến chăm sóc hay va chạm đều diễn ra ban mai, vào ngày sương. Còn đêm, họ tuyệt đối tôn trọng cuộc sống riêng của cây chè. Nếu vì một lý do gì đó cần thì con người phải mở lời xin phép cây trước.

Nếu như Vàng A Mang và đồng bào Mông, Dao, Tày, Kinh ở Giàng A, Giàng B, Giàng Cao, Suối Lóp, Păng Cáng, Can Kỷ, Tập Lăng của Suối Giàng tôn sùng cây như một thần linh thì đối với cán bộ, chính quyền huyện Văn Chấn nói chung và xã Suối Giàng nói riêng, cây chè có một vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, làm đổi thay diện mạo quê hương và đưa tên tuổi của cây chè cùng vùng đất Văn Chấn, Suối Giàng vươn ra thế giới.

image_lci1636878576.jpg

Tiếp chúng tôi tại không gian Ngôi làng Hạnh Phúc, trong chén trà ngây ngất khói và thấm đượm hương thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Phạm Thái Sơn không giấu được niềm vui cùng những nỗi băn khoăn. Ông trầm tư ngắm bức ảnh chúng tôi chụp cùng gốc cây chè tổ. Bên dấu vết thời gian xù xì trắng mốc là chi chít vết mối đục đào thân. Không chỉ có mối xâm hại cây mà còn gia súc sổng rừng vào đào dũi gốc, còn là sự xen canh của những giống loài thực vật khác khiến lá rụng xuống thấm vào đất và nguồn nước làm pha trộn chất lượng, là sự cố tình vay mượn tên và trà trộn sản phẩm làm phai lạt thương hiệu trà Suối Giàng...

z4774984998708_0c08906cd11730af7e8d632c3118253b.jpg
Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Phạm Thái Sơn trò chuyện với nhóm PV Báo TN&MT về phát huy tiềm năng trà Suối Giàng. Ảnh: Xuân Hà

Vậy nên, không chỉ dừng ở triển khai thực hiện đề án Bảo vệ và phát triển vùng chè shan tuyết Suối Giàng theo hướng an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ nhằm bảo tồn tính nguyên vẹn của vùng chè cổ Suối Giàng để kích cầu du lịch, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là chiến lược bảo tồn cây di sản và vùng di sản như một cách tôn lên lòng tự trọng của người dân Suối Giàng và trả ơn thiên nhiên.

Mỗi gốc cây chè cổ gắn với một mã định danh. Ước mong của chúng tôi là những mã định danh riêng đầy thêm mãi. Nếu một ngày nào đó, một mã định danh phải cất vào ký ức là ngày đó Suối Giàng buồn, Văn Chấn cũng không vui.

Ông Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn

1(5).jpg

Theo Phó Chủ tịch Phạm Thái Sơn, dù không được sinh ra trên mảnh đất Suối Giàng nhưng Suối Giàng là một phần không thể thiếu và vô cùng quan trọng của Văn Chấn nói riêng, Yên Bái nói chung. Vậy nên, tâm tư và khát vọng của ông luôn hòa cùng tâm tư khát vọng của chính quyền và nhân dân Suối Giàng, luôn biết ơn và trân trọng, gìn giữ, phát huy các giá trị vật chất và tinh thần mang lại từ cây chè. Đó không chỉ là trách nhiệm của một người con trước thiên nhiên Suối Giàng mà với ông, đó còn là bổn phận của một người cán bộ trước dân.

Rồi đây, hai tiếng Suối Giàng sẽ còn vang xa, những vùng chè cổ sẽ là chủ thể để định danh miền di sản Suối Giàng, và sản phẩm chè Suối Giàng cũng sẽ là chủ thể để định danh thương hiệu. Nhưng hơn hết, theo Phó Chủ tịch huyện Văn Chấn Phạm Thái Sơn: “Tất cả mọi nỗ lực không ngoài mục đích mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc của người dân vùng cao Suối Giàng. Đó mới là thước đo hiệu quả và thành công của đường lối, chủ trương của các cấp ủy Đảng và sự đồng thuận ý Đảng - lòng dân. Có như vậy, những người cán bộ mới thực sự “hiểu ý trời” và xứng đáng là người con của dân, như trong câu chuyện mà các già làng vẫn lưu truyền, rằng, làm cho dân hạnh phúc mới chính là cách trả ơn nhân duyên đất trời đã gieo cây quý trên miền đất quý”.

Ghi chép của Thư Kỳ - Thanh Ngà