Việt Nam đóng góp tích cực vào việc giảm phát thải nhựa đại dương

Thời sự - Ngày đăng : 15:17, 25/11/2020

(TN&MT) - Trong các ngày 24,25,26/11, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến Hội nghị các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 (SEA of Solutions 2020) với sự chủ trì của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TNMT). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham dự buổi khai mạc và có bài phát biểu quan trọng, thể hiện những đóng góp tích cực của Việt Nam vào việc giảm phát thải nhựa đại dương.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị trực tuyến 

Đây là sự kiện thường niên được tổ chức luân phiên tại Đông Nam Á. Năm 2020, Việt Nam được chọn là quốc gia tổ chức sự kiến này lần thứ 2 với sự tham gia của các thành viên ASEAN+3 và COBSEA, các nhà sản xuất nhựa, các nhà lãnh đạo và các học viện, các tổ chức quốc tế, tổ chức phát triển cộng đồng và các đối tác của Liên hợp quốc.

Tại phiên toàn thể lần thứ nhất, Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các tổ chức quốc tế, tập trung vào việc thảo luận xung quanh nội dung: “Đại dịch nhựa: Liệu có ít nhựa bị thải bỏ hơn trong thời gian dịch Covid-19?”. Bàn về chủ đề này các đại biểu cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng sử dụng thiết bị y tế được sản xuất từ nhựa và ngăn cản việc tái chế chúng, tạo ra nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa và chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn nhựa mà nhiều quốc gia đang lựa chọn.

Tuy nhiên, Covid-19 cũng được xem là bài học để mỗi chúng ta nhìn nhận lại cách thiết kế, sản xuất, thương mại, tiêu dùng, xử lý nhựa và chất thải nhựa, đặc biệt là các sản phẩm thay thế trong lĩnh vực y học. Đây không chỉ là thách thức, mà cũng là cơ hội cho các nhà sáng chế, nhà sản xuất, nhà quản lý và nhiều bên tham gia cùng nỗ lực đưa ra các sáng kiến, tìm các giải pháp thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa sử dụng một lần.

 

Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi và Phó Tổng cục Trưởng Nguyễn Quế Lâm tại đầu cầu Việt Nam

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ việc cần thiết học hỏi những sáng kiến, cam kết từ các nước EU trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, và sự đầu tư lớn của các nước EU nhằm giảm thiểu tác hại, sự thất thoát ra môi trường của rác thải nhựa khi mỗi năm chi hàng tỷ EURO cho hoạt động tái chế; đồng thời một số nước EU cũng đang đặt ra mục tiêu nghiên cứu sử dụng các loại hóa chất (phụ gia tăng cường tính năng nhựa) thân thiện với môi trường và thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng. EU cũng mong muốn các nước trong khối ASEAN có sự cam kết mạnh mẽ hơn trong đầu tư giải quyết triệt để vấn đề giảm rác thải nhựa đại dương thời gian tới.

Để thực hiện được mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tái chế tối đa các loại rác thải từ nhựa, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh các vấn đề về đầu tư, công nghệ, năng lực quản lý thì cũng cần có một lộ trình, cách tiếp cận chuyển đổi kinh tế sử dụng nhựa một lần sang kinh tế tuần hoàn nhựa trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các quốc gia ASEAN cần có những bước đi thận trọng, tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ để thực hiện các mục tiêu, cam kết giảm chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương đã đề ra.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ông rất vui mừng và vinh dự khi Việt Nam được UN Environment tin tưởng lựa chọn là quốc gia thứ hai sau Hội nghị năm 2019 (tại Thái Lan), tổ chức Hội nghị Các giải pháp về nhựa khu vực các Biển Đông Á 2020 với Chủ đề "Giảm thiểu lãng phí nhựa và giữ sạch đại dương - Các hành động đến nay”.

Bộ trưởng cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này. Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như: Thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.    

Bên cạnh việc đổi mới về chính sách, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam cũng tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ và đang nghiên cứu thiết lập một cơ chế đối tác công - tư để doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hợp tác tốt hơn trong giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Kể từ khi tham gia đến nay, Việt Nam đã đóng vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các vấn đề của khu vực và trên thế giới. Các nước ASEAN đều đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của vấn nạn rác thải nhựa đại dương,... ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững chung và thịnh vượng của toàn khu vực. Việc xây dựng cộng đồng ASEAN, xây dựng vị thế của ASEAN trong khu vực và toàn cầu cần có sự đóng góp và tư duy lãnh đạo quan trọng của Việt Nam.

Các đại biểu phía Việt Nam tham dự Hội thảo

Mặt khác, với vai trò Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Việc Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Hội nghị lần này cũng là cơ hội để Việt Nam triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII về hội nhập quốc tế sâu rộng; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 với những cam kết cụ thể:

Đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.

Đây cũng là thông điệp của Việt Nam gửi đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững kinh tế biển, chống rác thải nhựa đại dương và thúc đẩy sự tham gia của Việt nam và các nước trong khu vực ASEAN tham gia mạng lưới chống rác thải nhựa Việt Nam toàn cầu. Đồng thời góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương; tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: quản trị biển và đại dương, điều tra đánh giá rác thải nhựa đại dương, xử lý rác thải nhựa đại dương.

Hội nghị tiếp tục thảo luận và tham quan một gian triển lãm ảo được tuyển chọn. Tại đây các đại biểu sẽ tìm hiểu thêm về công nghệ và các giải pháp đối với rác thải nhựa đại dương; từ đó cùng thảo luận về các giải pháp và tìm kiếm sáng kiến, cùng cam kết tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong các phiên tiếp theo.

 

 

 

Kim Liên