Lạc Thuỷ (Hoà Bình): Buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho “đất tặc” đánh cắp tài nguyên?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 18:15, 23/07/2020
Thống nhất vị trí một đằng, lấy đất nột nẻo
Ngày 17/6, Báo Tài nguyên và Môi trường có bài “Lạc Thuỷ (Hoà Bình): Lợi dụng “hạ cốt nền” để bán đất gây thất thoát tài nguyên” phản ánh về việc thời gia qua, người dân tại xã Khoan Dụ (huyện Lạc Thuỷ) liên tục phản ánh về việc hàng ngày có tới cả chục chiếc xe vận tải cỡ lớn có biểu hiện quá khổ quá tải, cơi nới thành thùng len lỏi vào các con đường làng tại địa phương để vận chuyển đất tại khu vực đồi của hộ gia đình nhà ông Bùi Văn Lục mang đi tiêu thụ.
Được phê duyệt điểm mỏ để lấy nguyên liệu thi công tuyến đường thế nhưng Công ty Mỹ Phong vẫn chọn mua "đất tặc" để thi công. |
Cụ thể theo ghi nhận, mỗi ngày có tới hàng chục chiếc xe mang logo Công ty Mỹ Phong (Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng thương mại Mỹ Phong) vô tư vận chuyển đất từ khu đồi nói trên để đi san lấp, thi công tuyến đường TL438A. Những chiếc xe có biểu hiện quá khổ, quá tải, chở vật liệu chất cao có ngọn, có những chiếc xe không che phủ bạt, xe đi tới đâu là kéo theo bụi, đất rơi vãi tới đó gây ô nhiễm môi trường.
Mỗi ngày có hàng chục chiếc xe của Công ty Mỹ Phong vô tư chất "đất tặc" đi thi công đường. |
Liên quan đến sự việc trên, ông Bùi Mạnh Tường, Giám đốc BQL DA XDCB (Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản) huyện Lạc Thuỷ cho biết: Dự án “Trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi và nâng cấp tuyến đê ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ (đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ đến xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình), tỉnh Hoà Bình”, dự án có chiều dài khoảng 7km, tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng do UBND huyện Lạc Thuỷ làm chủ đầu tư.
“Dự án này tiến hành đấu thầu rộng rãi theo cách thủ công chứ không tiến hành đấu thầu qua mạng. Chỉ có vài đơn vị tham gia đấu thầu, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty Mỹ Phong và Tập đoàn 568”, ông Tường cho biết.
Những chiếc xe có biểu hiện quả khổ, qúa tải len lỏi qua các con đường làng thuộc xã Khoan Dụ. |
Tuy nhiên cũng theo ông Tường, dự án trên có được là do các Công ty trên “có quan hệ” chứ không thì huyện không xin được.
“Với những dự án lớn thế này, Công ty người ta có quan hệ thì mới xin được chứ không thì làm sao mà có được”, ông Tường cho biết.
Cũng theo ông Tường, để thi công tuyến đường TL438A, đơn vị đã định danh cho Công ty Mỹ Phong khu vực lấy nguyên liệu, còn việc lấy như thế nào, ra sao thì phía Công ty phải tự lo dự toán, tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, ngược lại với những gì ông Tường cung cấp, tại biên bản thống nhất vị trí mỏ vật liệu, các đơn vị đã thống nhất cụ thể với nhau, lựa chọn 6 điểm mỏ đã thăm dò, đảm bảo chất lượng để tiến hành thi công đường. Nhưng trên thực tế ghi nhận, Công ty Mỹ Phong không sử dụng đất tại các điểm mỏ được phê duyệt mà sử dụng một số lượng lớn “đất tặc”, khai thác trái phép nhà ông Bùi Văn Lục ở thôn Rộc Trụ 2 (xã Khoan Dụ) để thi công.
Khối lượng lớn khoáng sản, đất được khai thác trái phép có biểu hiện trốn thuế gây thất thoát nguồn thu ngân sách. |
Như vậy, việc sử dụng “đất tặc”, đất không đúng nơi quy định để tiến hành việc thi công tuyến đường TL438A của Công ty Mỹ Phong liệu có đảm bảo được chất lượng của công trình? Việc làm như thế liệu có phải là hình thức trốn đóng thuế tài nguyên gây thất thoát nguồn thu ngân sách? Và việc phê duyệt một đằng, tiêu thụ, sử dụng đất một nẻo có phải là hình thức bắt tay nhau để trục lợi tiền ngân sách nhà nước? Câu hỏi này xin gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình trả lời để dư luận được biết!
Buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho đất tặc?
Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn với biểu hiện quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng mang logo VIJASUN vô tư vận chuyển đất, khoáng sản trái phép qua trước cổng của UBND huyện Lạc Thuỷ nhưng không hề gặp bất kì trở ngại nào.
Những chiếc xe mang logo VIJASUN chở khoáng sản trái phép về tiêu thụ tại các nhà máy xi măng. |
Những chiếc xe quá khổ cồng kềnh, ngang nhiên cõng khoáng sản ra khỏi địa bàn mang đi tiêu thụ tại các nhà máy xi măng thế nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết. Chỉ đến khi PV cung cấp hình ảnh, video clip đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thuỷ mới tỏ ra bất ngờ và cho rằng mình không hề hay biết sự việc.
Sau khi cung cấp hình ảnh về việc vận chuyển khoáng sản trái phép ra khỏi địa bàn để tiêu thụ, bà Lâm Thị Kính, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thuỷ thừa nhận việc khai thác đất tại hộ gia đình ông Bùi Văn Lục là hoàn toàn chưa được cấp phép. Bà cũng cho biết, hiện tại Công ty Mỹ Phong đang tiến hành lấy đất tại khu vực này để thi công tuyến đường TL438A của huyện Lạc Thuỷ.
Xe chở khoáng sản trái phép, cơi nới, có biểu hiện quá khổ, quá tải vô tư qua cổng huyện Lạc Thuỷ. |
“Thực ra đây là dự án thi công đường cấp bách nên rất khó làm các thủ tục, hiện tại huyện Lạc Thuỷ đang cố gắng để về đích nông thôn mới năm 2020 nên tất cả các tuyến đường đều phải cố gắng đạt 70% cứng hoá. Năm vừa rồi anh Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND huyện gần bị xử lý kỷ luật vì không giải ngân được, chính vì vậy việc của địa phương mong PV hết sức tạo điều kiện. Đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nếu có việc khai thác khoáng sản trái phép mang ra ngoài địa phương để tiêu thụ”, bà Kính nói.
Việc chở quá khổ, quá tải tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và hư hỏng hạ tầng giao thông. |
Việc BQL DA XDCB để Công ty Mỹ Phong mua “đất tặc” để thi công tuyến đường, trái với quy định đã được phê duyệt và việc mỗi ngày có hàng đoàn xe chở khoáng sản từ huyện Lạc Thuỷ đi tiêu thụ tại các nhà máy xi măng khiến dư luận hoài nghi về việc có sự mắc ngoặc giữa chính quyền địa phương với các đơn vị để cho “đất tặc” vô tư lộng hành, đào khoét, trốn thuế tài nguyên, trục lợi gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước.
Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, làm rõ hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép và việc buông lỏng quản lý để “đất tặc” ngày đêm lộng hành.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.