Bụi đường 273, người dân “kêu trời”

Tiếng dân - Ngày đăng : 11:58, 02/01/2020

(TN&MT) - Trong nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sinh sống ven tỉnh lộ 273 (đoạn nối từ KM12 – Quốc lộ 1B vào đến trung tâm hành chính xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) vô cùng bức xúc bởi bụi mịn của bột đá gây ô nhiễm nặng. Mặt khác, nhân dân bức xúc vì xe quá tải chở đá phá đường. Họ bức xúc vì kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để. Người dân chịu khổ sở với bụi bặm, với tiếng ồn, với đá văng rất nguy hiểm…mà không biết kêu cứu tới ai.

Tỉnh lộ 273 nối liền Quốc lộ 1B đi qua địa phận xã Quang Sơn, xã Tân Long…huyện Đồng Hỷ đang gây bức xúc trong nhân dân vì bụi đường gây ô nhiễm nặng.

Tỉnh lộ 273 có điểm đầu nối với Quốc lộ 1B tại KM 12. Mới bước vào đầu tỉnh lộ 273 khoảng 20 m chúng tôi đã bắt gặp cảnh tượng thật lạ. Đó là toàn bộ cây cối, nhà dân ven đường đều được phủ một lớp bụi tự nhiên rất dày.

Xe tải chở đá đi qua cuốn theo bụi mịn trắng mờ không gian.

Một bụi tre ven tỉnh lộ 273 được phủ trắng bụi đá.

Bụi trắng mờ không gian. Bụi phủ kín vườn chè, vườn rau, cây ăn quả. Bụi chui vào nhà, len lỏi vào tận chăn màn, giường chiếu. Bụi chui cả vào đồ ăn, thức uống trong bữa cơm trưa, tối của người dân nơi đây. Bà Lê Thị Toan khoảng 80 tuổi, ông Hoàng Văn Quý, Hoàng Văn Hùng ở xóm La Giang, xã Quang Sơn đã cho biết: Bụi đường gây ô nhiễm quá. Người già, trẻ nhỏ hít phải bụi cứ ho sù sụ cả đêm. Người dân phản ánh lên xóm, xã, huyện nhiều lần mà chính quyền cứ trơ ra như đá, chẳng thấy ông cán bộ nào quan tâm đến nỗi khổ của dân đang phải sống chung với bụi bặm. Bụi đường chui vào dạ dày, chui vào ống phổi của chúng tôi rồi mà chính quyền vẫn thờ ơ không có biện pháp ngăn chặn kịp thời đoàn xe chở đá và các mỏ đá gây ô nhiễm.

Bà Lê Thị Toan khoảng 80 tuổi xót xa luống rau ngót trước nhà bị bụi phủ dày không thể lên nổi lá non.

Bà Uông Thị Xuyến 80 tuổi ở xóm Bãi Cọ, xã Quang Sơn kể: Gia đình tôi thu hoạch ngô trên bãi về thì sạch sẽ. Bỉ hạt đem phơi ra sân thì đoàn xe tải chở đá chạy vài lượt qua lại, mang theo bụi lẫn vào sân ngô. Ngô vàng lẫn bụi đá mốc thếch. Quần áo, khăn mặt vừa giặt xong phơi nửa ngày đem ra giặt lại thấy nước đục như nước vo gạo. Chúng tôi lo lắng ảnh hưởng sức khỏe, giảm tuổi thọ lắm.

Anh Nguyễn Văn Duy cũng ở xóm Bãi Cọ cho biết thêm: Mỗi ngày đoàn xe tải cỡ lớn, nhỏ khoảng 50 chiếc ra, vào mỏ lấy đá, quần thảo hàng chục lượt. Xe chạy ầm ầm cả đêm khiến người già bị mất ngủ. Người dân bức xúc lắm nhưng “thấp cổ bé họng” chẳng biết ngăn chặn thế nào, “chỉ biết kêu trời” thôi. Đứng nói chuyện với người dân một lát mà nhóm xe tải ba, bốn chân chạy ù ù qua, bụi đã bám đầy, trắng áo quần, đầu tóc. Đặc biệt nữa là lớp bụi mịn như bột sắn trên mặt đường dày đến nỗi ngập cả tất lẫn giày của chúng tôi. Điều này cho thấy, mùa khô ít mưa nên bụi được tích tụ lần lâu, lần mới. Xe tải lớn chở bột đá, đá dăm làm cho lớp bụi ngày càng nhỏ mịn hơn, dày hơn trên mặt đường và lá cây.

Vườn chè của người dân xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ bị bụi đá vôi phủ trắng ngọn cây, ảnh hưởng năng xuất, chất lượng chè thương phẩm.

Rửa rổ trái cam vừa hái ngoài vườn, chị Lý Thị Ngàn, xóm Bãi Cọ bức xúc nói: Các anh cứ trông chậu nước đục ngàu này thì đủ biết về bụi ô nhiễm thế nào. Không chỉ có bụi đâu, xe quá tải chở đá phá đường, hành dân đi lại vất vả, nguy hiểm lắm. Đường xuống cấp, xe tải to chèn người đi xe nhỏ vô cùng nguy hiểm. Nhiều vụ tai nạn xảy ra trên đường này rồi. Chúng tôi lo lắng cho con em mình ngày ngày phải đi học trên con đường gập ghềnh đầy ô trâu, ổ bò, đá sỏi lổm chổm dễ bị tai nạn lắm. Cứ mỗi lần thấy tin báo có cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra là tụi lái xe dừng đỗ tránh chốt cả đoàn dài…

Mặt đường tỉnh lộ 273 bị xe quá tải băm vằm khiến cho nắng bụi, mưa lầy, ổ trâu, ổ bò đánh bẫy người và xe, nhân dân đi lại gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ đã thở dài cho biết: Đường vào vùng mỏ thì phải chấp nhận bụi bặm, ô nhiễm, đường xá xấu xí vậy thôi. Xã đề nghị nhiều lần rồi nhưng các mỏ đá có thực hiện nghiêm túc lắm đâu. Thẩm quyền của xã có hạn nên chẳng can thiệp được gì.

Xe tải chở đá phá nát mặt đường tỉnh lộ 273 khiến tại nạn giao thông thường xảy ra.  

Qua tìm hiểu được biết, đoạn tỉnh lộ 273 nối Quốc lộ 1B đến cổng UBND xã Tân Long dài khoảng 4-6km. Đường này dẫn từ quốc lộ vào khu vực tập trung nhiều mỏ đá vôi đang khai thác rầm rầm. Xe tải to, nhỏ ra vào tấp nập, thi nhau chở đá quá khổ, quá tải băm nát mặt đường tỉnh lộ 273. Đoạn tỉnh lộ này rất lạ là không có cắm biển báo hạn chế trọng tải. Tỉnh lộ 273 đang thuộc đường giao thông nông thôn loại A. Mặt đường rộng 3,5m trải nhựa hoặc cấp phối… Cái lạ nữa, theo ý kiến của sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên thì tuyến tỉnh lộ 273 này đang thuộc quyền quản lý của huyện Đồng Hỷ. Huyện chưa bàn giao về cho Sở nên Sở chịu không can thiệp gì được, chưa thể quản lý, xử lý gì được. Qua trao đổi với lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thì được biết: Đây là vấn đề khó, địa phương đang tìm phương án tháo gỡ. Xử lý ô nhiễm môi trường, quá khổ quá tải là thẩm quyền của các sở ngành. Thẩm quyền địa phương có hạn thôi.

Xe chở đá vượt quá tải trọng so với loại đường giao thông nông thôn chưa phân cấp đang lưu thông trên tỉnh lộ 273.

Trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường, chống quá khổ quá tải hệt như quả bóng được các cấp ngành địa phương đùn đẩy, “đá trách nhiệm” sang chân nhau. Người dân “kẹp” ở giữa chỉ biết “kêu than với trời đất” về nỗi thống khổ sống chung với bụi bặm, ô nhiễm và tiếng ồn. Theo dư luận trong nhân dân đồn đoán, một số mỏ đá và doanh nghiệp vận tải chuyên kinh doanh về đá vật liệu xây dựng đều có “quan to” “chống lưng” nên ít người dám động đến “tổ ong bầu”…

Đức Nam