Vụ phá hộ lan QL 1A tại Bắc Giang: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 07/12/2017

(TN&MT) - Theo ý kiến của Luật sư, việc người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tự tiện tháo dỡ hộ lan đường Quốc lộ 1A khi...
(TN&MT) - Theo ý kiến của Luật sư, việc người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tự tiện tháo dỡ hộ lan đường Quốc lộ 1A khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình giao thông, tiềm ẩn nguy tai nạn cao độ, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, thời gia qua, Báo nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân và người tham gia giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang về vấn đề an toàn giao thông khi những rào chắn bị phá bỏ để phục vụ mục đích kinh doanh của một số cá nhân, tổ chức.
 
Trao đổi với PV về vấn đề pháp lý liên quan đến việc này, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hộ lan tôn lượn sóng thường được sử dụng trong các đoạn đường hay xảy ra tại nan giao thông. Hộ lan tôn lượn sóng có tác dụng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của tai nạn khi phương tiện giao thông va đập vào tường hộ lan tôn lượn sóng. Hộ lan tôn lượn sóng đuợc lắp đăt tại các vị trí điểm đen thường xảy ra tai nạn, hoặc các đoạn đường cong, đường đèo với nỗ lực nhằm giảm thiểu  thương vong.
 
"Hộ lan tôn sóng giúp giảm bớt xung lực, làm giảm tốc độ của phương tiện giao thông và giữ được phương tiện khi xẩy ra tai nạn,  tránh việc rơi xuống vực sâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Là một kết cấu của hạ tầng giao thông đường bộ nên nó có vai trò đặc biệt quan trọng", Luật sư Kiệm nói.
 
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
 
Theo Luật sư Kiệm, về phương diện pháp lý đối với tình trạng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tự tiện tháo dỡ hộ lan đường bộ nếu chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì cá nhân, tổ chức tháo dỡ hộ lan là hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình giao thông, tiềm ẩn nguy tại nạn cao độ. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Cụ thể, theo quy định tại Điều 303 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia thì người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi khách quan là “phá hủy”. Hành vi phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội cũng tương tự hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhưng tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng trong trường hợp này là một loại tài sản có giá trị đặc biệt “hộ lan sóng giao thông”.
 
"Như vậy, để bảo đảm tính mạng cho người dân trong khu vực địa giới hành chính huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang và những cá nhân, tổ chức cùng phương tiện tham gia giao thông qua khu vực nêu trên. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có trách nhiệm giải quyết vấn đề nêu trên cần thiết lập tức xác minh, điều tra để có phương án xử lý triệt để, bảo đảm tính mạng con người. Mặt khác, có được tin báo từ phía cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm khẩn trương rà soát, phát hiện sai phạm cần xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm và thiếu trách nhiệm trong quản lý để xẩy ra tình trạng nêu trên. Đặc biệt đối với cơ quan điều tra tỉnh Bắc Giang cần thiết xem xét toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của những người đã thực hiện hành vi phá huỷ hộ lan cũng như việc thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại, nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm cần khởi tố vụ án để điều tra bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật", Luật sư Nguyễn Văn Kiệm nhận định.
 
Ngang nhiên phá rào chắn bảo vệ hành lang Quốc lộ 1A.
Ngang nhiên phá rào chắn bảo vệ hành lang Quốc lộ 1A.
 
Trước đó,, nhiều người dân tại tỉnh Bắc Giang phản ánh tới Báo Tài nguyên và môi trường về tình trạng tự tý tháo dỡ dải hộ lan tôn lượn sóng trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Chia sẻ với PV, anh Trần Văn H, một người dân sống gần điểm đấu nối từ Quốc lộ 1A vào Công ty TNHH Đại Hồng Phúc cho biết, những đoạn rào chắn để bảo vệ hành lang Quốc lộ 1A không hiểu vì lý do gì mà bị người ta phá dỡ rồi đấu nối thẳng từ đường quốc lộ vào Công ty Đại Hồng Phúc. "Tôi ở đây chứng kiến nhiều vụ tai nạn khi xe tăng tốc lên dốc mà gặp xe đi từ Công ty ra rất nguy hiểm. Có hôm xe đầu kéo cua vào bị hỏng giữa chừng chắn ngang đường gây ùn tắc kéo dài', anh H nói.
 
Theo ghi nhận thực tế của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, tại Km109+800, đoạn đường vừa cua, vừa dốc có tầm nhìn kém và khá nguy hiểm trên QL.1 thuộc địa phận thôn Tân Văn, xã Tân Dĩnh có một dải hộ lan tôn lượn són cùng cột thép đảm bảo ATGT đã “biến mất” và thay vào đó là một con đường đất được đắp nối ra đường quốc lộ.
 
Đoạn đường này đi sâu vào phía tay trái là một bãi đỗ xe tải với rất nhiều xe lớn thường xuyên cắt ngang đường quốc lộ để ra vào bãi khiến tầm nhìn trên đường bị hạn chế tiềm ẩn nguy tai nạn giao thông rất cao. Trong khi đó, nếu đi sâu theo phía tay phải, có một con đường đất được đắp trên phạm vi hành lang giao thông đường bộ để làm lối ra vào cho nhà nghỉ Phúc Lâm. Theo quan sát, đây là lối chính phục khách ra vào nhà nghỉ, đồng thời nhiều người dân trong thôn cũng tận dụng lối này để đi tắt ra quốc lộ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
 
Không những vậy, có đoạn cả dải tôn sóng dài đến vài chục mét cũng bị tháo dỡ để biến lề đường thành một bãi đỗ xe tải khổng lồ như đoạn Cụm Công nghiệp xã Tân Dĩnh. Tại đoạn đường này, hầu như toàn bộ dải hộ lan tôn lượn sóng đã bị tháo dỡ để tận dụng lề đường làm bãi đỗ xe tải cho Công ty TNHH Sản xuất Vận tải Thương mại Xuất nhập khẩu Bích Thủy.
 
Mặc dù tình trạng tự ý tháo dỡ dải hộ lan tôn lượn sóng hộ trên đường Quốc lộ 1A diễn ra thời gian dài nhưng không bị xử lý.
Mặc dù tình trạng tự ý tháo dỡ dải hộ lan tôn lượn sóng hộ trên đường Quốc lộ 1A diễn ra thời gian dài nhưng không bị xử lý
 
Ngoài 2 điểm vi phạm nghiêm trọng hành lang ATGT trên, theo khảo sát của PV, trong bán kinh 10km cũng có hàng loạt các vi phạm khác như san lấp mặt bằng, xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ làm sân bãi đỗ xe, hay làm đường ra vào cây xăng, nhà nghỉ... khiến nhiều đoạn hộ lan tôn lượn sóng tuyến QL1A qua huyện Lạng Giang đã bị chiếm dụng.
 
Liên quan đến việc này, trả lời PV, đại diện lãnh đạo huyện Lạng Giang (Bắc Giang) xác nhận tình trạng phá hàng rào tuyến Quốc lộ 1A ở đường rẽ vào Công ty Đại Hồng Phúc đoạn nhà máy gạch Tân Xuyên là đúng. “Sau khi phát hiện với trách nhiệm quản lý trên địa bàn chúng tôi đã cùng cơ quan chức năng xuống để kiểm tra có lập biên bản yêu cầu phải hoàn lại rào lại ngay. Tuy nhiên, thẩm quyền không thuộc cấp huyện dẫn tới đến nay vẫn chưa xử lý, khắc phục lại được”, vị này cho hay.
 
“Được biết, Thanh tra của Cục đường bộ Việt Nam đã thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu Chi cục Quản lý đường bộ 1.5 tiến hành rào lại, chúng tôi nắm được thông tin như vậy, hiện nay đoạn này chưa được rào lại. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục báo cáo và đề nghị với sở GTVT đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam xử lý ”, vị lãnh đạo huyện Lạng Giang cho biết thêm.
 
Điều 303 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia như sau:
 
“1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:
 
a) Có tổ chức;
 
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
 
c) Làm chết 03 người trở lên;
 
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
 
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 200% trở lên;
 
e) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
 
g) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế – xã hội;
 
h) Tái phạm nguy hiểm.
 
3.  Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
 
4.  Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.”
 
Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà Nước trong trường hợp này, do để xảy ra tình trạng hộ lan đường bị tháo dỡ phải xác định cơ quan quản lý chưa làm trong trách nhiệm của mình. Việc tháo dỡ xảy ra tồn tại trong thời gian dài không được khắc phục bởi cơ quan chức năng. Có hay không việc làm ngơ để những vi phạm tồn tại là câu hỏi người dân đặt ra ở đây.
 
Các Doanh nghiệp hai bên đường quốc lộ không tuân theo quy hoạch tự ý tháo dỡ hộ lan cần phải xử lý triệt để, đóng lại để đảm bảo an toàn giao thông. Những doanh nghiệp có vị trí phù hợp quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền quản lý hộ lan cần có giải pháp bố trí hộ lan hợp lý để hài hòa mục đích đảm bảo an toàn giao thông với nhu cầu đi lại, vận chuyển của doanh nghiệp. 
 
Với người dân nếu việc bố trí hầm chui chưa phù hợp với nhu cầu dân sinh, gây trở ngại cho sinh hoạt sản xuất thì cần thiết phải xây dựng thêm hầm dân sinh ở vị trí tối ưu hơn cho nhu cầu đi lại của nhân dân.
 
Căn cứ quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010  quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng  giao thông đường bộ quy định
 
Điều 40. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
 
1. Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.
 
2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.
 
3. Chỉ đạo và kiểm tra đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi địa phương.
 
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
 
1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn huyện quản lý.
 
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
 
Ngoài quy định tại Nghị định này, nếu trường hợp để xẩy ra tai nạn, gây những hậu quả đáng tiếc xẩy ra thì còn phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương do buông lỏng quản lý, giám sát về hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như sau:
 
"1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
 
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
 
4. Người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

 

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin./.