Dân tộc thiểu số

Những bản làng “thay áo mới”

Bích Hợp 15:32 18/09/2023

(TN&MT) - Biến những bản làng hoang sơ nhiều hủ tục, quen lối sống du canh, du cư, tự cung tự cấp thành những bàn làng sầm uất, sạch sẽ, ấm no là nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát trong nhiều năm qua.

Nở rộ những mô hình dân vận khéo

Các xã Trung Lèng Hồ, Sàng Ma Sáo cách huyện lị Bát Xát khoảng 40-50km. Nhưng khoảng 10 năm trước, phải đi mất nửa ngày đường, khi đi xe, lúc cuốc bộ, khi băng rừng, lúc vượt suối. Vậy mà giờ đây, đường vào bản xa đã hóa gần bởi có đường bê tông phẳng phiu kết nối giao thương, văn hóa. Sau 10 năm quay lại những huyện vùng cao của Bát Xát, tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của các bản người Mông nơi đây.

Ông Vàng Seo Say, Trưởng Ban Dân vận Huyện Bát Xát chở tôi trên chiếc xe máy vào xã Sàng Ma Sáo, vừa đi vừa kể chuyện rôm rả. Ông Say rất tâm đắc với những kết quả mà công tác dân vận đã làm được trong những năm qua, đặc biệt tại những bản người Mông sinh sống. Điển hình nhất là vận động nhân dân đồng lòng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Cái ấm, cái no mở ra khi đồng bào biết tiếp nhận và làm theo cái hay, cái đúng.

dan-van-1.jpg
Những mô hình tuyên vận khéo tại Bát Xát đã được người dân đồng tình làm theo và đạt được nhiều kết quả tốt.

Đang đi bon bon trên đường, ông Vàng Seo Say liền bẻ cua dừng lại trước một ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới. Đó là nhà anh Lý Seo Sàng, thôn Chu Phìn xã Sàng Ma Sáo.

Nhà Lý Seo Sàng trước đây nghèo nhất bản. Bởi nghèo nên anh Sàng nghĩ đơn giản là cho các con nghỉ học để đi kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhờ có cán bộ Say và Ban dân vận của xã đến động viên cho các con đi học, anh đã hiểu ra học có cái chữ mới thay đổi cuộc sống được.

“Nếu không có cán bộ vận động cho các con đi học, có lẽ giờ này, cái đói cái nghèo còn đeo bám gia đình tôi và cả các con tôi. Giờ các con tôi đều đã có bằng đại học đi làm kiếm tiền về xây nhà to cho bố mẹ”, anh Sàng nói.

da-van-2.jpg
Trưởng Ban Dân vận huyện Bát Xát vàng Seo Say xuống cơ sở tuyên vận người dân bỏ các hủ tục và tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Bên ấm trà nóng hổi, chúng tôi cùng trò chuyện về những thay đổi của bản làng. Thay đổi không chỉ về đời sống mà thay đổi trong nếp nghĩ chính là thay đổi lớn nhất, quyết định sự thay da đổi thịt của mỗi gia đình nơi đây. “Nhà Lý Seo Cồ phía kia thoát nghèo, con cái thoát cảnh thất học, lấy chồng sớm cũng là nhờ nghe theo cán bộ dân vận đó”, anh Sàng chỉ tay về phía một ngôi nhà ở xóm bên.

Anh Sàng kể, nhà Lý Seo Cồ có 2 đứa con gái giờ cũng đã hai mươi, hai mốt rồi. Nhưng 7,8 năm trước, hai cháu mới 13, 14 tuổi, theo nếp sống người Mông từ ngàn xưa, anh Cồ cũng định bắt con nghỉ học lấy chồng vì sợ con gái học nhiều sẽ ế. Ban dân vận huyện rồi xã đã thay nhau đến vận động vợ chồng anh Cồ cả tháng trời anh mới hiểu ra, nếu cho con lấy chồng lúc 13, 14 tuổi là vi phạm pháp luật và con cần phải đi học lấy cái chữ để thoát nghèo. Giờ 2 đứa con gái đã lớn hơn 20 tuổi rồi, đều có việc làm ngoài thị trấn, nghe nói con lớn anh Cồ sắp lấy chồng là cán bộ tận ngoài thành phố đấy.

Chuyện anh Sàng hay anh Cồ thay đổi nếp nghĩ không phải là chuyện hiếm gặp ở Bát Xát. Hàng loạt các mô hình vận động bỏ hủ tục, phát triển kinh tế xã hội được triển khai những năm qua trở thành phong trào thi đua trong toàn huyện, đặc biệt tại các bản làng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Ông Vàng Seo Say kể, ở xã Trung Lèng Hồ, xã Sàng Ma Sáo, huyện vận động bà còn thực hiện mô hình cải tạo hủ tục trong đám tang đồng bào Mông, vận động bà con bỏ hủ tục đưa người chết ra phơi nắng và mổ trâu làm lý trước khi mai táng.

Tại thôn Choản Thèn, thôn Lao Chải, xã Y Tý có mô hình vệ sinh đường làng, ngõ xóm do chi hội phụ nữ thực hiện. Thôn Tả Cồ Thàng, xã Trịnh Tường có mô hình chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường, góp phần làm cho thôn đồng bào Mông đổi thay rõ nét. Còn ở thôn Ná Rin, xã Mường Vi, Đoàn Thanh niên xã thực hiện mô hình đoàn viên, thanh niên không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Đối với lĩnh vực kinh tế, thời gian qua cũng có nhiều mô hình đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như tấm gương anh Vàng Văn Sưởng, dân tộc Giáy, xã Mường Vi mở xưởng chiết xuất tinh dầu sả và thành lập Hợp tác xã Mường Kim có doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm, được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

dan-van-3.jpg
Phong trào thi đua dân vận khéo đã góp phần làm đổi thay diện mạo các vùng đồng bào dân tộc vùng xâu, vùng xa của huyện Bát Xát( Lào Cai).

Hoặc mô hình nuôi ong dế của anh Vù A Các ở xã Trịnh Tường; trang trại nuôi lợn đen bản địa của anh Lò Láo Tả, xã A Mú Sung; các mô hình tập thể chăn nuôi ngựa sinh sản theo hướng hàng hóa của đồng bào Giáy ở xã Mường Vi; mô hình trồng lê Tai nung của các hộ người Dao thôn Kin Chu Phìn, xã Nậm Pung; mô hình phụ nữ Hà Nhì làm du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý…

Để các mô hình dân vận thực sự phát huy hiệu quả, Đảng ủy các xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chấp hành sát sao đến từng chi bộ, tham gia sinh hoạt chi bộ, họp thôn lựa chọn nội dung phù hợp, cùng tìm hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngay từ cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong công tác dân vận. Từ đó tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, Nhân dân một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Lan toả phong trào dân vận khéo

"Thay đổi nếp nghĩ, hướng bà con đến lối sống lành mạnh, tìm ra hướng phát triển kinh tế không phải là việc một sớm một chiều. Xây dựng phong trào đã khó mà giữ phong trào lại còn gian nan hơn”. Trưởng Ban Dân vận huyện Bát Xát Vàng Seo Say trăn trở và bảo, phong trào chỉ được duy trì khi hợp lòng dân.

Ông Say kể, xã Bản Vược có thể xem là một điển hình lan tỏa được phong trào dân vận. Để phong trào “Dân vận khéo” đi vào lòng dân, xã Bản Vược đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết đại hội đảng bộ xã đề ra. Trong đó, Mặt trận tổ quốcvà các đoàn thể đã không ngừng đổi mới nội dung phương thức hoạt động, cán bộ làm công tác dân vận đã gần dân, sát cơ sở, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng của Nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp.

dan-van-5.jpg
Nhờ công tác dân vận, vấn đề an ninh trận tự trên địa bàn huyện Bát Xát cơ bản đi vào nề nếp, người dân an tâm phát triển kinh tế.

Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở xã Bản Vược được gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đảng ủy, chính quyền xã làm tốt công tác “Dân vận khéo” trong việc tổ chức lồng ghép với các hội nghị, lấy ý kiến Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, kinh nghiệm, giải pháp thiết thực, phù hợp vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Ông Say cho biết thêm, dù là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, trên địa bàn huyện Bát Xát xuất hiện ngày càng nhiều mô hình “Dân vận khéo”. Giai đoạn 2022 - 2025, Bát Xát duy trì hiệu quả hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” và thực hiện mới 17 mô hình tại các xã, thị trấn, nổi bật là những mô hình cải tạo tập quán lạc hậu ở vùng cao.

Trong thời gian tới, Đảng ủy huyện Bát Xát tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào "Dân vận khéo", gắn phong trào thi đua "Dân vận khéo" với các phong trào thi đua khác như: "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, xây dựng NTM, đô thị văn minh"; "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc"; phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của Nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương ngày càng phát triển, tăng cường và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Tạm biệt Bát Xát, chia tay Trung Lèng Hồ, Sàng Ma Sáo và Bản Vược, đi trên con đường thêng thang hai bên trồng đầy hoa lá, trong lòng tôi ngập tràn niềm vui. Niềm vui đến từ việc chứng kiến những đổi thay tích cực trong những bản làng nhỏ nép mình bên sườn núi. Những đổi thay ấy sẽ là động lực để Bát Xát phát huy hết lợi thế, bứt phá thành công.

Bài liên quan
  • Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái ở Quan Sơn
    Đời sống văn hóa các dân tộc ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) phản ánh sinh động sâu sắc sự đoàn kết chung sống, hòa hợp giữa các dân tộc Thái, Kinh, Mường, Mông... Trong đó dân tộc Thái có lịch sử cư trú lâu đời và có số dân đông nhất huyện Quan Sơn mang nhiều dấu ấn đặc trưng, phản ánh nét văn hóa đặc sắc trải dài theo lịch sử. Để hiểu rõ hơn về những nét nổi bật trong văn hóa của đồng bào Thái, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thơ, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quan Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Bá Thước (Thanh Hóa): Nhiều điển hình sản xuất kinh doanh giỏi
Trong những năm qua, nhờ có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế ở các huyện miền Núi, vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, chỉ trong 2 năm 2021- 2023, huyện Bá Thước có 5 tập thể và 21 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi cấp huyện, 30 cá nhân và 4 tập thể được Hội Nông dân khen thưởng.
Đừng bỏ lỡ
  • Nỗi niềm người gieo chữ trên vùng đất đỏ
    “Hôm nay em phải ở nhà coi em để bố mẹ đi hái cà phê thuê cô ạ !”. Làm giáo viên ở những vùng bản làng xa xôi của Đắk Nông, việc nghe những câu nói như vậy không phải hiếm nhưng sao chua xót...
  • Dạy tiếng dân tộc, giữ gìn văn hóa bản địa
    Việc dạy tiếng dân tộc trong trường tiểu học mang lại hiệu quả giáo dục to lớn đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhiều tỉnh đã tích cực triển khai tại hệ thống trường phổ thông.
  • Hiến đất làm trường gieo mầm tương lai
    (TN&MT) - Thấm thía những thiệt thòi và nhọc nhằn của con em mình khi không biết chữ, nhiều hộ dân tại thôn Bản Sài, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã tình nguyện hiến gần 12.000 m2 đất để xây dựng trường học. Những tấm lòng thơm thảo ấy đã đang thầm lặng gieo những “mầm xanh” cho tương lai.
  • Những bữa cơm tiếp sức cho trẻ vùng cao tới trường
    (TN&MT) - Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách nhân văn hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là hỗ trợ bữa ăn cho các em học sinh bán trú tại các trường vùng cao của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải để các em có điều kiện đến trường học tập.
  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
    Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai (TN&MT) cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
  • Nhọc nhằn “cõng” chữ lên non
    (TN&MT) - Đường lên bản Sân Bay mùa này rất khó đi. Đất đá lởm chởm vì những con dốc đang được hạ độ cao và những khúc cua tay áo được nắn thẳng. Xe chúng tôi đang vượt dốc lao lên bỗng khựng lại vì phía trước mặt, một chiếc xe tải chở vật liệu rú ga khiến bột đất đỏ au tung lên mịt mù. Đó là con đường duy nhất đến ngôi trường thầy Lù Văn Thủy đã gắn bó, suốt 20 năm nhọc nhằn “cõng” con chữ lên non.
  • Chuyển biến chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Huyện Mường Nhé (Điện Biên) có 94% học sinh là người dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục đang dần được nâng lên nhờ sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị địa phương, sự tận tụy của các thầy cô và nỗ lực của chính các em.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO