Đồng bào Mông ở xã Ngọc Chiến trồng rừng ứng phó BĐKH

Nguyễn Nga | 10/08/2021, 14:32

(TN&MT) - Những ngày này, trên địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La), Ban quản lý KBTTN Mường La cùng bà con nhân dân đang tích cực đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đảm bảo tới hết tháng 8 sẽ hoàn thành trồng hơn 72ha rừng.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ trồng rừng, ông Hoàng Trọng Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La cho biết: Đây là dự án trồng rừng thuộc 4 phương án trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.

Theo kế hoạch, năm nay, đơn vị sẽ triển khai trồng mới 72,05ha rừng đặc dụng, phòng hộ đầu nguồn trên khu vực 3 bản của xã Ngọc Chiến. Trong đó, sẽ triển khai trồng 49,81ha thông mã vĩ và 22,24ha trồng hỗn giao giữa thông mã vĩ và pơ mu. Mật độ trồng bình quân 1.600 cây/ha. Đồng thời, triển khai xây dựng 2 tuyến đường băng trắng cản lửa với tổng chiều dài trên 3.700m; 1 tuyến đường băng xanh tổng chiều dài hơn 3.600m.

Chuẩn bị kỹ về giống cây trồng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng, chủng loại theo quy định.

Huổi Ngùa là 1 trong 3 bản trực tiếp tham gia vụ trồng rừng năm nay. Trưởng bản Huổi Ngùa Thào A Xịnh cho biết: Bản Huổi Ngùa có 56 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Năm nay, toàn bản được giao khoán trồng hơn 29ha rừng thông. Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả, chúng tôi đã được các cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng. Tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động 34 hộ dân là đồng bào Mông tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng cũng chính là để bảo vệ môi trường sống.

Anh Lầu A Tông, người dân bản Huổi Ngùa chia sẻ: Được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, từ đầu tháng 7, chúng tôi đã xử lý thực bì, đào hố để trồng rừng, đảm bảo khoảng cách cây trồng. Sau khi trồng cây, tôi sẽ thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện sâu bệnh, trồng dặm ngay đối với cây bị chết, cây yếu, để cây sống tốt.

Ngọc Chiến là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, cách trung tâm huyện 40 km, xã có 3 dân tộc Thái, Mông, La Ha cùng sinh sống. Nằm ở độ cao trung bình 1.800m so với mực nước biển, Ngọc Chiến có vai trò rất quan trọng, là khu vực đầu nguồn cung cấp nước cho một số nhà máy thủy điện trên địa bàn. Đây cũng là xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện Mường La, với gần 18.400 ha, 15 bản được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Năm nay, trên địa phận bản Huổi Ngùa sẽ triển khai trồng mới 29ha rừng thông mã vĩ.

 

Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả cao, bà con đã được hướng dẫn kỹ về kỹ thuật trồng.

 

Lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Mường La phối hợp cùng bà con bản Huổi Ngùa, xã Ngọc Chiến trồng rừng.

 

Anh Hoàng Văn Phú, cán bộ Ban Quản lý KBT cho biết: Năm 2021 sau khi hoàn thành trồng rừng sẽ thực hiện chăm sóc 1 lần; năm thứ 2 (2022) chăm sóc 3 lần; năm thứ 3, 4 (2023-2024) chăm sóc 2 lần/năm.

 

Bà con đã được hướng dẫn kỹ về cách trồng, cách đào hố, lấp hố…

 

…đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

 

Em bé người Mông theo chân bố mẹ lên rừng…

 

Đồng bào Mông Ngọc Chiến tích cực trồng rừng bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH.

 

Giữ mãi màu xanh cho những cánh rừng Ngọc Chiến.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Người Dao Thanh Phán phát triển du lịch tại Bình Liêu, Quảng Ninh
(TN&MT) - Bình Liêu là huyện biên giới ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, có gần 50 km đường biên giới với Trung Quốc. Nơi đây có tới gần 96% đồng bào là dân tộc thiểu số, chủ yếu là Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa… Trong đó người Dao Thanh Phán đông thứ 3 sau Tày và Sán Chỉ.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO