(TN&MT) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 378/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1778/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến 2020.
Theo đó, về đánh giá chung, Quyết định 64/2003//QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến nay hoàn thành trên 90% thể hiện quyết tâm và cố gắng lớn của Chính phủ và các Bộ, địa phương trong việc xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc Quyết định số 1778/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phần lớn tồn tại từ khi ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, cùng với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tiếp tục phát sinh thêm là điều đáng quan tâm, cần có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương để tập trung xử lý và khắc phục có hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn thiếu quyết liệt và cụ thể, việc phân công trách nhiệm và phối hợp liên ngành thời gian qua còn hạn chế, kinh phí bố trí còn thiếu…nên kết quả thực hiện Quyết định số 1778/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn thấp.
Để phấn đấu thực hiện tốt Quyết định số 1778/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương củng cố Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến 2020; hoàn thành và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo theo đó phân công, làm rõ trách nhiệm của Bộ, ngành trong vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất phương thức và số liệu báo cáo trong kế hoạch hàng năm, 5 năm về chỉ tiêu kết quả thực hiện xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003//QĐ-TTg và Quyết định số 1778/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong năm 2015 xây dựng và công bố các tiêu chí đánh giá để xếp hạng về chất lượng bảo vệ môi trường đối với các địa phương và cả nước…Trên cơ sở báo cáo chi tiết của Ban Chỉ đạo liên ngành về hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các chỉ đạo cụ thể đối với từng Bộ, ngành và địa phương trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đối với Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh và Công ty cổ phần Mía đường Cà Mau, Phó Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch UBND các địa phương có trách nhiệm xây dựng phương án giải quyết triệt để ô nhiễm, đưa nhà máy vào hoạt động bình thường sau thời gian xử lý, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện; xem xét, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các Công ty cổ phần Mía đường trong việc chậm xử lý ô nhiễm theo tinh thần Quyết định số 1778/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương xem xét, phê duyệt phương án hợp lý để xử lý nghiêm các vi phạm của 2 nhà máy mía đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của nông dân vùng trồng mía nguyên liệu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng triển khai cơ chế huy động vốn ODA để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (các bãi rác và bệnh viện tuyến huyện) đồng thời quan tâm nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư xã hội hóa bằng nguồn vốn trong nước. Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý; tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 1778/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giai đoạn đến năm 2020.
Tin & ảnh: Tường Tú