Chủ Nhật, 13/4/2025 18:0 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Xăng, điện cùng tăng giá: Hàng hóa rục rịch tăng theo

Thứ Năm 26/03/2015 , 00:00 (GMT+7)

(TN&MT) - Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc giá điện, xăng tăng cùng một thời điểm sẽ khiến giá các mặt hàng tiêu dùng “té nước theo mưa” tăng theo trong thời gian tới.

Chỉ tiêu kinh tế  chưa ảnh hưởng

Giá điện chính thức thiết lập mặt bằng giá mới từ ngày 16/3 (tăng 7,5%) với mức giá bình quân tương đương 1.622,05 đồng/kWh. Giá xăng từ ngày 11/3 cũng đã tăng thêm 1.600 đồng/lít. Việc giá xăng dầu, giá điện cùng tăng một thời điểm được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho là sự trùng hợp ngẫu nhiên và khẳng định, điều này không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại CPI sẽ chịu tác động kép từ “cú đúp” tăng giá này.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc tăng giá xăng và điện ảnh hưởng rất lớn đến các DN sản xuất - vốn dĩ họ đang gặp rất nhiều khó khăn, nay lại phải đối mặt với việc chi phí đầu vào tăng mạnh.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc tăng giá hầu hết các mặt hàng do tâm lý rất dễ xảy ra. “Mức tăng giá điện, xăng lần này đều rất lớn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi hiệu ứng tăng giá dây chuyền, tăng giá tâm lý. Trước đây, mỗi đợt giá xăng tăng, lập tức các hàng hóa dịch vụ đều lấy làm căn cứ để tăng giá. Tình trạng này không dễ đối phó”, ông Phú nói.

Xăng, dầu tăng khiến nhà sản xuất và người tiêu dùng đều
Xăng, dầu tăng khiến nhà sản xuất và người tiêu dùng đều "đau đầu"

Cùng chung quan điểm trên, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ Súc sản - Vissan cho biết, với việc giá điện tăng 7,5%, mỗi tháng Vissan sẽ phải trả thêm 70 - 80 triệu đồng tiền điện. Dù trước mắt, các nhà cung cấp nguyên liệu cho Vissan sẽ chưa tăng giá ngay nhưng chắc chắn sau 1 tháng thì các nhà cung cấp sẽ xem xét đến việc tăng giá. Điều lo ngại hơn là, giá nguyên liệu đầu vào có tăng nhưng đầu ra của DN thì không thể tăng được. Bởi trong bối cảnh sức mua yếu, việc tăng giá sẽ gây bất lợi cho cả DN và người tiêu dùng. “Tăng giá điện làm cho mọi người gồng sức chịu đựng”, ông Mười than thở.

Như vậy, với thực tế, DN sản xuất chưa thể tăng giá nhưng hàng hóa sẽ có mặt bằng giá mới do tác động tâm lý dây chuyền. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần kiểm tra giám sát để tránh hiện tượng “té nước theo mưa”.

Giá chợ đã tăng theo giá xăng, điện

Một tuần trở lại đây, các bà nội trợ phản ánh giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã rục rịch tăng giá. Cụ thể, các loại rau củ quả tăng từ 500 – 700 đồng/ kg; các mặt hàng hải sản nước ngọt tăng 3000 – 5000 đồng/kg; Thịt lợn và thịt bò tăng 5000 – 7000 đồng/ kg…

Bà Ngọc Diệp, chủ quán Bia Việt Hà trên đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết: Giá điện tăng ước tính mỗi tháng nhà hàng của tôi sẽ phải chi thêm 1- 2 triệu đồng/ tháng thì vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng thực tế những ngày gần đây, do hiệu ứng điện, xăng cùng tăng một thời điểm đã tạo “cơn bão giá” trên nhiều loại mặt hàng. Giá cả các loại lương thực, thực phẩm đầu vào đã đồng loạt tăng nên chúng tôi buộc phải tăng giá món ăn, dịch vụ của cửa hàng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, CPI những tháng qua liên tục giảm chủ yếu do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm. Việc tăng giá xăng dầu lần gần đây nhất làm CPI tăng 0,03%. Rõ ràng, giá xăng dầu tăng/giảm tác động vào giá. Tuy nhiên, lạm phát của nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Cung - cầu; giá mặt hàng nhập khẩu; tiền tệ… Vì vậy, với riêng yếu tố xăng dầu chưa thể nói lạm phát năm 2015 sẽ được kiểm soát ở mức thấp.

Còn ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, việc điều chỉnh giá xăng dầu là một trong yếu tố ảnh hưởng đến tăng/giảm giá hàng hóa, thể hiện ngay trong chỉ số CPI. Thêm nữa, giá điện tăng một lần 7,5% là quá cao, khiến các DN sử dụng nhiều điện trở tay không kịp. Nếu tăng 3-4%, DN có thể tiết kiệm, hoặc điều chỉnh, tìm cách thích nghi dần.

Năm 2015 là năm hội nhập, các dòng thuế nhập khẩu mình phải giảm, hàng hóa nước ngoài vào rẻ hơn. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ không thể nào cạnh tranh được.

Bài và ảnh: Minh Anh

 

Xem thêm
Báo động yến sào giả, nhái, kém chất lượng

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan tới yến sào hiện đang ở mức đáng báo động, làm tổn hại tới niềm tin người tiêu dùng.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai bảo hiểm thất nghiệp là tất yếu

Ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm thất nghiệp đã nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ, rút ngắn thời gian tiếp cận quyền lợi và tăng cường minh bạch quản lý.

Petrolimex Singapore đạt chứng chỉ ISCC

Petrolimex Singapore đã chính thức nhận được 3 chứng chỉ ISCC khẳng định cam kết phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.