Ngày 14/11, Diễn đàn Hợp tác Văn hóa châu Á 2013 (ACCF 2013) đã diễn ra tại Đặc khu Hành chính Hong Kong của Trung Quốc, với sự tham gia của 10 quốc gia có các nền văn hóa nổi bật trong khu vực, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Singapore, Campuchia, Brunei, Thái Lan và Philippines.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn làm trưởng đoàn.
Với chủ đề “Văn học và sự sống động của văn hóa,” ACCF 2013 do Cục Sự vụ Dân chính Hong Kong tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nước tham gia, với nhiều bài tham luận có giá trị cao, được các đại biểu hoan nghênh nhiệt liệt.
Các ý kiến tại diễn đàn đều khẳng định tầm quan trọng của văn học nói riêng và văn hóa nói chung trong đời sống và sự phát triển của lịch sử loài người.
Tại diễn đàn, ngoài việc chia sẻ các nội dung theo chủ đề, đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn đưa ra các chính sách ủng hộ, khuyến khích sự sáng tạo văn học nghệ thuật của các tác giả, nghệ sỹ, đồng thời bảo vệ các tác phẩm, tài sản trí tuệ của họ.
Việt Nam bày tỏ mong muốn khẳng định văn hóa và sự hợp tác văn hóa châu Á vì bản sắc và sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần có sự đối thoại và tương tác với các diễn đàn đa phương có liên quan một cách thiết thực hơn nữa.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nêu bật tầm quan trọng của văn hóa nói chung và văn học nói riêng trong lịch sử phát triển của loài người.
Theo Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, là sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững, văn hóa và văn học có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó văn hóa là một hệ thống tổng thể, văn học là một yếu tố cấu thành, thông qua quá trình biến động của đời sống, văn học không chỉ là công cụ phản ánh văn hóa mà còn tác động và đôi khi làm thay đổi các giá trị văn hóa.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định những giá trị tinh thần, mối liên hệ hợp tác mà diễn đàn mang đến cho các nước là rất đáng trân trọng, đóng góp vào nỗ lực hợp tác, phát triển của các quốc gia châu Á mang tính bền vững hơn, nhân văn hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã kiến nghị các giải pháp tăng cường giao lưu, hợp tác và kết nối văn hóa, đồng thời khẳng định rằng Diễn đàn Hợp tác Văn hóa châu Á là một cầu nối quan trọng giữa các nền văn hóa trong khu vực, giúp thúc đẩy quảng bá các nét văn hóa, lịch sử của mỗi nước thành viên cũng như tăng cường tình đoàn kết trong giao lưu nhân dân giữa các nước.
TTXVN