Dân tộc thiểu số

Vang mãi tiếng chiêng ba

Hà Anh 15:32 22/09/2023

Có dịp lên Ba Tơ (Quảng Ngãi) vào ngày lễ, Tết hay mừng lúa mới, du khách sẽ được nghe tiếng chiêng ba vang vọng khắp núi rừng. Âm thanh băng qua khe suối, vọng lên núi đồi, khi trầm hùng, khi rạo rực, thổn thức… như đời người nơi làng quê đi qua những mùa bão tố rồi mùa xuân yên vui, như vòng đời của đồng bào dân tộc từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành…

Âm thanh đại ngàn

Tháng chín, mới đầu mùa mưa, dòng sông Liêng nước vẫn cạn. Con đường từ quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên thuộc địa bàn xã Ba Thành về thôn Phan Vinh (xã Ba Vinh - vùng căn cứ xưa của Đội du kích Ba Tơ anh hùng) phủ một màu xanh của núi rừng. Tôi gặp cụ Phạm Thị Sỹ (xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) – nghệ nhân tấu chiêng đã ngoài 82 tuổi, sức yếu. Khi chúng tôi hỏi chuyện về chiêng ba, bà Sỹ vội nói con trai là Phạm Văn Rôm đem bộ chiêng gồm ba chiếc: chiêng Tum (còn gọi là chiêng cha), chiêng Vông (còn gọi là chiêng mẹ) và chiêng Túc (còn gọi là chiêng con).

nghenhan1.jpg
Bà Phạm Thị Sỹ bên chiếc chiêng ba

Màu thời gian đọng đầy trên từng chiếc chiêng với sống chiêng đen láng và hồng tâm lấp lánh ánh đồng. Dưới những nắm tay hằn đầy vết thời gian nhưng vung lên, hạ xuống đầy dứt khoát, tiếng chiêng Vông của bà Phạm Thị Sỹ hòa nhịp cùng tiếng chiêng Túc, chiêng Tum của Phạm Văn Rôm và người hàng xóm là Phạm Văn Nhót. Bộ chiêng ba có đủ 3 người chơi phát ra những âm thanh trầm bổng, ngân vang giữa núi rừng.

Chiêng ba là nhạc cụ phổ biến nhất và mang tính đặc trưng tiêu biểu của của người H’re ở huyện Ba Tơ. Theo dân làng, gọi là chiêng ba bởi lẽ bộ chiêng này có 3 chiếc. Khi trình diễn, chiêng Vông được để nghiêng, chiêng Tum để nằm, chiêng Túc treo trên dây. Chiêng Tum đóng vai trò giữ nhịp, chiêng Vông và chiêng Túc theo giai điệu. Chiêng Vông và chiêng Tum đánh bằng nắm tay trần, chiêng Túc đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Người đánh chiêng giỏi nhất sẽ đánh chiêng Túc, dẫn dàn chiêng diễn tấu theo đúng bài bản và nhịp điệu. Khi diễn tấu dàn chiêng 3 chiếc, người đánh chiêng ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển.

Bà Sỹ nhớ như in, ngay từ nhỏ đã thuộc lòng nhiều làn điệu ta lêu, ca choi của người H’re, cứ mỗi dịp lễ hội, đám cưới…, hòa cùng tiếng chiêng ba và các nhạc cụ khác, dân làng lại cùng nhau ca múa. Giữa bóng tối, người làng tập trung bên bếp lửa bập bùng trước sân nhà sàn, trai tráng có cơ bắp khỏe mạnh đánh chiêng ba, các cô gái hát múa ta lêu, ca choi. Người làng cũng thả hồn theo tiếng chiêng ngân. Tập tục của đồng bào H’re là ăn Tết theo làng, theo xóm. Hôm nay có thể làng này, ngày mai làng khác. Tiếng chiêng theo đó cũng rộn vang khắp núi đồi.

nghenhan2.jpg
Bà Phạm Thị Sỹ đánh chiêng ba cùng ông Phạm Văn Nhót và anh Phạm Văn Rôm.

“Chiêng ba có từ rất lâu rồi, từ lúc sinh ra tôi đã thấy. Chiêng ba là độc nhất vô nhị của người H’re là vì nó đắt tiền. Nó đổi được bằng tiền, bạc, trâu, bò. Chiêng được dùng trong dịp tết, cúng, dịp lễ tết, nói chung là ngày vui. Cha mẹ tôi đều biết đánh chiêng. Khi cha mất có để lại cho 5 anh em mỗi người mỗi bộ chiêng, trai hay gái đều có. Con gái nếu không chơi thì để lại cho chồng, con, không được bán”- ông Phạm Văn Rôm kể.

Ngoài bà Sỹ, còn một số phụ nữ khác ở Ba Tơ cũng biết đánh chiêng là bà Phạm Thị Đệ (xã Ba Thành). Bà Sỹ kể, những đêm trăng sáng khi tiếng chiêng cất lên, bà lại hát điệu ca choi. Lời hát là tấm lòng của người con gái vừa trong lành vừa tha thiết, để những chàng trai rung động, ngỏ lời yêu.

Để chiêng ba ngân mãi

Người H’re ở Quảng Ngãi sinh sống chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long. Tuy nhiên, chỉ có người H’re ở huyện Ba Tơ mới biết trình diễn chiêng ba và trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống. Tuyệt đại đa số chiêng của người H’re là dàn chiêng ba chiếc được các gia đình lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác như báu vật của gia đình. Trải qua hàng trăm năm, tiếng chiêng ba trở thành âm thanh quen thuộc và gắn bó với lớp lớp người H’re.

Chiêng ba của người H’re ở Ba Tơ có âm thanh hoang sơ rất lạ, rất riêng. Từ tiết tấu, nhịp điệu đến sự phối âm, phối bè, sử dụng công phu tài tình, tinh tế của người đánh chiêng, có khởi đầu, có cao trào, có kết thúc, khi trầm hùng khi náo nức khi rạo rực thổn thức, lúc cao trào mạnh mẽ, dồn dập, thôi thúc. Ngày xưa, những bộ chiêng ba quý hiếm có giá trị hàng chục con trâu, tiếng không chỉ thanh mà còn trầm ấm, tạo nên âm thanh nghe sang trọng, mạnh mẽ, náo nức lòng người.

nghenhan3.jpg
Chiêng ba là tài sản quý đối với mỗi gia đình người H're.

Tấu chiêng ba hấp dẫn và khiến nhiều người say mê đến vậy, nhưng rồi, cũng như các loại hình văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi trên cả nước, hoạt động này đã gặp nhiều thách thức bởi sự hòa nhập giữa văn hóa vùng cao với vùng đồng bằng.

“Phần lớn người đánh chiêng là đàn ông, còn đàn bà biết đánh chiêng đều đã lớn tuổi. Mẹ tôi cũng biết, nhưng ít chơi. Bây giờ lớp trẻ ít người biết lắm, như tôi cũng chỉ biết sơ sơ thôi”, chị Phạm Thị Sung (xã Ba Thành) chia sẻ.

Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi và giữ gìn văn hóa của người H’re, trong đó có trình diễn chiêng ba. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện Ba Tơ đều duy trì được nghệ thuật trình diễn chiêng ba, tiêu biểu nhất là ở xã Ba Vinh.

Theo ông Lê Cao Đỉnh - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Tơ, nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người H’re không chỉ là sinh hoạt văn hóa mà quan trọng hơn chính là lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

“Thường ngày, họ bận rộn với ruộng đồng, nương rẫy cùng bao việc mưu sinh, nhưng sẵn lòng tham gia khi nghe lời mời đánh chiêng, tham dự các hội diễn văn nghệ quần chúng quảng bá chiêng ba. Sự thích thú của người trẻ làm ấm lòng người già, bởi lâu rồi bà con lo ngại sự mai một của nghệ thuật dân tộc, trong đó có nghệ thuật tấu chiêng.” - ông Đỉnh chia sẻ.

Ngày trước, đồng bào dân tộc H’re chỉ tấu chiêng trong những dịp Tết, hay cúng mừng lúa mới, giờ đây trong chương trình về nguồn, tham quan di tích lịch sử ở Ba Tơ, du khách cũng có thể được xem biểu diễn chiêng ba. Giữa mênh mông núi rừng, âm thanh rộn rang của tiêng chiêng ba, tiếng hát ta lêu (điệu hát của người H're) nức nở, càng hiểu thêm sức sống tự ngàn đời của đồng bào dân tộc H’re giàu bản sắc. Tôi tin rằng, những bộ môn nghệ thuật của đồng bào như dòng sông Liêng, sông Re có khi vơi, khi đầy, nhưng sẽ chảy mãi trong lòng dân.

Hiện trên địa bàn huyện Ba Tơ có khoảng 890 hộ gia đình có chiêng, với trên 900 bộ chiêng Ba và 740 người biết sử dụng. Năm 2021, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người H’re ở Ba Tơ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bài liên quan
  • Ngân vang những tiếng cồng chiêng
    (TN&MT) - Giữa núi rừng sâu thẳm, tiếng cồng chiêng vang vọng với những âm thanh đầy khí thế trong không gian một lớp học giữa buôn làng người Cơ Tu. Những nghệ nhân lớn tuổi say sưa “truyền lửa” cho lớp trẻ. Những người trẻ cũng đón nhận tình yêu với cồng chiêng cũng như trách nhiệm giữ gìn bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông

(0) Bình luận
Nổi bật
Bá Thước (Thanh Hóa): Nhiều điển hình sản xuất kinh doanh giỏi
Trong những năm qua, nhờ có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế ở các huyện miền Núi, vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, chỉ trong 2 năm 2021- 2023, huyện Bá Thước có 5 tập thể và 21 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi cấp huyện, 30 cá nhân và 4 tập thể được Hội Nông dân khen thưởng.
Đừng bỏ lỡ
  • Nỗi niềm người gieo chữ trên vùng đất đỏ
    “Hôm nay em phải ở nhà coi em để bố mẹ đi hái cà phê thuê cô ạ !”. Làm giáo viên ở những vùng bản làng xa xôi của Đắk Nông, việc nghe những câu nói như vậy không phải hiếm nhưng sao chua xót...
  • Dạy tiếng dân tộc, giữ gìn văn hóa bản địa
    Việc dạy tiếng dân tộc trong trường tiểu học mang lại hiệu quả giáo dục to lớn đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhiều tỉnh đã tích cực triển khai tại hệ thống trường phổ thông.
  • Hiến đất làm trường gieo mầm tương lai
    (TN&MT) - Thấm thía những thiệt thòi và nhọc nhằn của con em mình khi không biết chữ, nhiều hộ dân tại thôn Bản Sài, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã tình nguyện hiến gần 12.000 m2 đất để xây dựng trường học. Những tấm lòng thơm thảo ấy đã đang thầm lặng gieo những “mầm xanh” cho tương lai.
  • Những bữa cơm tiếp sức cho trẻ vùng cao tới trường
    (TN&MT) - Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách nhân văn hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là hỗ trợ bữa ăn cho các em học sinh bán trú tại các trường vùng cao của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải để các em có điều kiện đến trường học tập.
  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
    Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai (TN&MT) cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
  • Nhọc nhằn “cõng” chữ lên non
    (TN&MT) - Đường lên bản Sân Bay mùa này rất khó đi. Đất đá lởm chởm vì những con dốc đang được hạ độ cao và những khúc cua tay áo được nắn thẳng. Xe chúng tôi đang vượt dốc lao lên bỗng khựng lại vì phía trước mặt, một chiếc xe tải chở vật liệu rú ga khiến bột đất đỏ au tung lên mịt mù. Đó là con đường duy nhất đến ngôi trường thầy Lù Văn Thủy đã gắn bó, suốt 20 năm nhọc nhằn “cõng” con chữ lên non.
  • Chuyển biến chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Huyện Mường Nhé (Điện Biên) có 94% học sinh là người dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục đang dần được nâng lên nhờ sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị địa phương, sự tận tụy của các thầy cô và nỗ lực của chính các em.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO