Vấn đề đặt ra từ hiện tượng giá cát tăng đột biến

22/04/2017 00:00

(TN&MT) - Tình trạng cát khan hiếm và kém chất lượng mà báo Tài nguyên & Môi trường đã có nhiều bài phản ánh, cảnh báo từ những năm trước, giờ đang bùng phát như một “cơn sốt” trên thị trường.

Khi trật tự khai thác cát đã có sự chấn chỉnh

Theo các cơ quan chức năng tình hình khai thác cát tại các mỏ trên sông Tiền, sông Hậu thuộc địa bàn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ… không có những dấu hiệu thay đổi đáng kể về số lượng. Tại địa bàn TP.Cần Thơ, có 2 mỏ cát được cấp phép từ những năm trước vẫn duy trì khai thác bình thường. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Cần Thơ – Lý Đạt Lợi, cho biết: “Qua đợt thanh kiểm tra mới đây không phát hiện vi phạm trong hoạt động khai thác tại các mỏ được cấp phép. Tình hình khai thác cát trái phép trên sông Hậu trước kia thường diễn ra phức tạp ở vùng nước giáp ranh giữa Cần Thơ với Vĩnh Long gần đây cũng đã lắng dịu”.

Việc khai thác cát tại các mỏ được cấp phép ở ĐBSCL vẫn đang được duy trì bình thường.
Việc khai thác cát tại các mỏ được cấp phép ở ĐBSCL vẫn đang được duy trì bình thường.

Thế nhưng trong mấy tháng đầu năm, giá cát tại ĐBSCL, liên tục gia tăng. Ngày 20/4, giá các loại cát nguyên khai (chưa qua chế biến) tăng bình quân từ 10.000đ đến 30.000đ/1m3 so với thời điểm cuối tháng 2 và tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước. Giá cát đã qua công nghệ chế biến sạch theo qui chuẩn (TCVN 9355-2013; QCVN 16:2014), bán tại kho Công ty Cát đá Việt (tại TP.Cần Thơ), cụ thể các loại: Mođun 2.0-2.3, là 330.000đ/1m3; Mô đun 1.8-<2.0 giá bán 270.000đ/1m3; Mô đun 1.6-<1.7 giá bán 230.000đ/1m3; Mô đun 1.25-1.5 giá bán 164.000đ/1m3; Cát san lấp đã qua sàng rửa sạch 115.000đ/1m3. Bình quân giá cát các loại tăng từ 15.000đ đến 70.000đ/1m3 so với đầu tháng 2/2017 và tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước.

Ông Võ Tấn Dũng, Chủ tịch Công ty cát đá Việt sàng rửa sạch, cho biết: Giá cát gia tăng do nhu cầu thị trường. Vào những tháng mùa khô đầu năm là cao điểm mùa xây dựng công trình việc thu mua cát nguyên khai ở các mỏ để đưa về chế biến cát sạch của doanh nghiệp này phải chấp nhận chen chúc, cạnh tranh mua. Giá cát nguyên khai bán tại các mỏ leo thang từng ngày. Một trong những nguyên nhân chính là những tháng gần lượng cát xây dựng từ ĐBSCL được chuyển về TP.HCM và các tỉnh miền Đông gia tăng đột biến.

Ghi nhận từ một số đầu mối tại ĐBSCL chuyên cung ứng cát về các cơ sở buôn bán cát ở TP.HCM: Thời điểm giá cát gia tăng, lượng cát tấp nập chuyển về TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ diễn ra từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 - trùng với thời điểm các dự án tận thu cát dưới hình nạo vét luồng lạch đường thủy nội địa bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động. Đơn cử, trong tháng 3, riêng tỉnh Đồng Nai, ít nhất 14 dự án nạo vét thông luồng thủy nội địa kết hợp tận thu cát trên hệ thống sông Đồng Nai (gồm 6 dự án do tỉnh Đồng Nai cấp phép; 8 dự án do Bộ Giao thông - Vận tải cấp phép), bị đình chỉ hoạt động. Thực tế này cho thấy lượng cát khai thác từ các dự án nạo vét luồng lạch đường thủy nội địa là rất lớn, chi phối mạnh mẽ trong thị trường trong thời gian qua.

Cần tăng cường kiểm soát chất lượng

Do chi phí vận chuyển và nguồn cát cung từ ĐBSCL về không cân đối so với mức cung trước đó nên giá cát bán ra tại thị trường TP.HCM chênh lệch khá cao so với ĐBSCL. Dù đến nay TP.HCM chưa ứng dụng công nghệ chế biến cát, các loại cát mua bán sử dụng trên thị trường chủ yếu là cát nguyên khai nhưng giá cát vàng xây tô đã được đẩy lên tới trên 500.000đ/1m3. Trên thị trường phổ biến nhất là cát đen bán với giá 350.000đ/m3 (chưa tính tiền vận chuyển). Nhiều người sử dụng cát này để xây tô cho công trình rất lo ngại về chất lượng vì đã có nhiều thông tin phản ánh tình trạng chủ vựa pha trộn cát vàng sông với cát mặn thành cát đen để bán.

Các phương tiện vận chuyển cát diễn ra tất bật.
Các phương tiện vận chuyển cát diễn ra tất bật.

Bình luận về động thái giá cát liên tục gia tăng, một giám đốc Công ty tư vấn thiết kế tại TP.Cần Thơ, cho rằng: “Trên thực tế khối lượng cát sử dụng trong công trình bao giờ cũng chiếm phần chủ yếu nhưng trước đây tổng giá trị chi phí cho cát chỉ chiếm khoảng dưới 5% tổng dự toán vì giá cát quá rẻ tiền. Bây giờ giá cát gia tăng tạo ra trạng thái tâm lý người tiêu dùng bị “sốc” nhưng thực chất tổng giá trị chi phí cho cát cũng chỉ dưới 10% tổng dự toán. Xu hướng nguồn tài nguyên cát tại ĐBSCL và các vùng đồng bằng trong cả nước đang ngày càng khan hiếm, thì giá cát gia tăng là điều tất nhiên và cũng vì vậy mới có thể chấm dứt được tình trạng sử dụng cát một cách lãng phí trong xây dựng công trình”.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực xây dựng tại ĐBSCL cũng nhận định với mức giá cát xây dựng gia tăng những tháng gần đây là bước tiến khẳng định về giá trị thực của một loại cốt liệu quan trọng trong kết cấu công trình nhờ các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nguồn tài nguyên này từ phía nhà nước – thậm chí còn có tác dụng tích cực ngăn chặn tình trạng bán rẻ tài nguyên cát ra nước ngoài vốn đã tồn tại nhiều năm qua.

Vấn đề đặt ra trong bối cảnh giá trị gia tăng, phát sinh nhiều khả năng cát kém chất lượng phổ biến trong thị trường, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng. Từ hơn 5 năm trước, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường, Tiến sỹ Lê Quang Hùng (hiện là Thứ trưởng Bộ Xây dựng), đã khuyến cáo: “Nếu dùng cát chứa tạp chất trong xây dựng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cho nên cần chú ý về góc độ kỹ thuật là, cát thường chứa 3 loại tạp chất gồm bùn, bụi sét, tạp chất hữu cơ. Nếu tạp chất quá nhiều, thì làm suy giảm cường độ bê tông, vữa và tiết chất làm loang lổ bề mặt công trình - Đây là vấn đề cần lưu tâm số một. Thứ hai là cát có clo (muối), gây han rỉ cốt thép. Thứ ba là dùng cát bẩn xây trát thì làm bề mặt công trình sùi, ố, mốc. Vì vậy, trong xây dựng công trình dù chi phí cho cát có cao vẫn nên chú ý quan tâm đến chất lượng cát”.

Do đó, việc cần làm bây giờ là cùng với công tác thanh tra, giám sát hoạt động khai khoáng tại các mỏ, kiểm tra hóa đơn, chứng từ trong quá trình vận chuyển lưu thông mà lực lượng cảnh sát, thanh tra tài nguyên môi trường các địa phương đang tăng cường, nhằm hạn chế mua bán cát trôi nổi không rõ nguồn gốc, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép; các cơ quan quản lý thị trường, thanh tra xây dựng cần tiến hành kiểm tra, kiểm soát chất lượng cát hàng hóa trên thị trường và sử dụng cho các công trình. Mặt khác, theo các chuyên gia Khoa Xây dựng (ĐHCT), việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp cải tiến trong thi công và công nghệ chế biến để đảm bảo chất lượng cát sử dụng cho các công trình xây dựng. Đồng thời, hạn chế tình trạng lãng phí, sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên cát phục vụ cho quá trình xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL và các vùng miền trong cả nước một cách bền vững là điều rất bức thiết.

Hùng Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề đặt ra từ hiện tượng giá cát tăng đột biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO