Dự Toạ đàm có ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Urenco; ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc Urenco; các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Văn Đức, Phạm Cao Thắng, Vũ Cường; TS. Nguyễn Tất Thịnh - Chuyên gia - Giảng viên Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế - Học viện Hành chính Quốc gia cùng các đồng chí lãnh đạo các Phòng, Ban công ty, Lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, công nhân viên ưu tú của Công ty và các đơn vị.
Toạ đàm“URENCO - 60 năm với công cuộc “cách mạng” để phát triển". |
Để “thổi hồn vào rác”?
Công tác vệ sinh môi trường luôn là công việc nặng nhọc, khó khăn. Là đơn vị tiên phong tham gia vào lĩnh vực nhiều vất vả, từ năm 1960 đến nay, Urenco đã trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Thế nhưng, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những cán bộ của URENCO đã kiên trì, quyết tâm đổi mới, phù hợp với từng thời kỳ phát triển của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cư dân đô thị.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Urenco chia sẻ, hơn 20 năm gắn bó với mái nhà chung Urenco, điều mà các thế hệ lãnh đạo Urenco luôn trăn trở và hướng tới, đó là “làm thế nào để thổi hồn vào rác”.
Với tinh thần đó, Urenco đã cố gắng phát huy mọi nguồn lực; đổi mới công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của thành phố Hà Nội, được nhân dân, chính quyền thành phố, bạn bè trong và ngoài nước ghi nhận.
Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Urenco phát biểu tại Toạ đàm |
Trong bối cảnh chất thải ngày càng gia tăng, quỹ đất eo hẹp, nguồn kinh phí dành cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải còn khó khăn, lãnh đạo URENCO đã xác định: Để xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, không còn con đường nào khác ngoài đổi mới. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; tìm kiếm đối tác, liên kết đầu tư tập trung vào công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, thay thế dần các phương pháp truyền thống.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả và chất lượng nguồn nhân lực; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết; xây dựng Công ty ngày càng vững mạnh, xứng đáng là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Theo ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Urenco, một trong những mục tiêu quan trọng mà Urenco hướng tới trong giai đoạn hiện nay là tiệm cận “quản lý rác từ nguồn”. Trong đó, người công nhân được gắn trong chuỗi “quản lý rác từ nguồn” từ thu gom, vận chuyển đến xử lý, tái chế.
Cuộc cách mạng “ứng xử với rác”
60 năm xây dựng và trưởng thành, Urenco đã thực sự có cuộc “cách mạng” từ cơ giới, cơ khí mở rộng cho đến công nghệ 4.0… Tuy nhiên, cuộc cách mạng thực sự mà Urenco đang hướng tới đó là “ứng xử với rác”.
Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, Giảng viên Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế - Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, năng lực của con người là đem lại giá trị mới cho rác thải. Nếu không thay đổi từ bên trong tư duy, chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ… sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Cuộc “cách mạng” của Urenco là sự tự thay đổi bên trong đến khai phóng bên ngoài, sự lột xác, chuyển đổi tự thân. Đó là sự chuyển mình từ “quét rác” đến công nghệ môi trường, hướng tới sự văn minh của xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Tiến (phải), Tổng giám đốc Urenco chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển công ty |
Theo ông Thịnh, mặc dù Urenco luôn nhận được sự ưu đãi chính sách của chính quyền và cơ hội từ hợp tác quốc tế nhưng những khó khăn, thách thức mà Urenco phải đối mặt cũng không hề nhỏ. Trước hết là rào cản tập tính văn hoá, cách nhân dân “ứng xử với rác”. Những thách thức trong đầu tư hạ tầng tổ chức, hạ tầng công nghệ, kỹ thuật quản trị thông minh... để chuyển sang thời kỳ mới...
Urenco đang thực hiện "phân loại rác tại nguồn" biến rác thành tài nguyên |
Để chuẩn bị cho tương lai sắp tới, ông Thịnh cho rằng, Urenco cần xây dựng tổ chức bộ máy cơ hữu (không chồng chéo, không sợ trách nhiệm); năng động, chuyên nghiệp dựa trên “lòng yêu nghề”. Urenco cũng cần công nghệ hoá thân thiện, xanh sạch, đẹp văn minh trong sản phẩm, tức là kiến tạo ra các sản phẩm trung chuyển, xử lý, tái chế ra sản phẩm cuối cùng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Bên cạnh đó, Urenco phải tạo ra thị trường thực sự trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, tạo sân chơi trong lĩnh vực truyền thống của mình; đó chính là các nhu cầu thường xuyên theo quy luật giá trị “ngang giá, đúng, đủ, thanh toán”; từ đó tăng nguồn thu doanh nghiệp.
Ngoài ra, thiết lập chính sách, chế độ đãi ngộ theo các ngạch: lãnh đạo, quản lý hệ thống, quản lý bộ phận, lao động phổ thông… Doanh nghiệp phát triển, người lao động sẽ gắn bó và nâng cao sự lựa chọn với lực lượng lao động trong xã hội.
“Đi xa, đi mạnh phải đi trong đội ngũ, Urenco thực sự có nhiều kênh khai thác, cơ hội sử dụng và mảng miếng để tận dụng trong thời gian tới”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ở góc độ là người lao động trực tiếp tham gia vệ sinh môi trường, chị Lê Minh Thịnh, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 1, Chi nhánh Ba Đình chia sẻ: Gắn bó với nghề “quét rác” từ khi rời ghế nhà trường đến nay đã 26 năm. Rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều những khó khăn, vất vả và hiểm nguy đã vượt qua. Điều mà tôi mong muốn nhất là Urenco sẽ đồng bộ cơ giới hoá trong lao động sản xuất để giảm thiểu sức lao động cho đội ngũ công nhân lao động trực tiếp.