Tranh chấp đường đi chung tại Yên Châu (Sơn La): Vi phạm thủ tục tố tụng

Nguyễn Nga| 29/09/2020 16:36

(TN&MT) - Báo TN&MT nhận được phản ánh của 7 hộ dân tại bản Mỏ Than, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La liên quan đến việc tranh chấp con đường đi chung lên nương của các hộ dân. Vụ việc đã được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân huyện Yên Châu từ năm 2018, nhưng đến nay, trải qua nhiều lần xét xử, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Phần diện tích đất đã rào lại dù bản án sơ thẩm đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy

Đại diện cho các hộ gia đình, ông Đinh Thế Sơn, bản Mỏ Than, xã Lóng Phiêng cho biết: Tôi lên đây từ năm 1984, gia đình có mảnh nương trên khu vực đồi bản (thường gọi là rừng thông đồi ông Mùa), việc đi nương là đi theo con đường mòn từ xưa theo khe suối lên nương cho đến nay, và đều vận chuyển nông sản trên con đường này. Đến năm 1999, được Đảng và Nhà nước giao đất cho từng hộ và có quy hoạch con đường rộng 6m, dài 370m để nhân dân đi lại và vận chuyển nông sản. Do đó, tôi và 6 hộ gia đình khác đã góp tiền để tu sửa đường.

Thế nhưng, năm 2017, bà Thân Thị Lan (người có đất liền kề con đường) đã khởi kiện ông Sơn và 6 hộ gia đình khác lên Tòa án nhân dân huyện Yên Châu, với lý do là khi bà Lan mua lại mảnh đất nương (năm 2007) thì không có con đường này. Việc các hộ mở đường đi lại la tự ý lấn chiếm vào đất của bà Lan.

Con đường đang xảy ra tranh chấp

Tại Biên bản hòa giải tranh chấp giữa các hộ gia đình tại UBND xã Lóng Phiêng, ngày 26/7/2017, ông Phan Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã đã kết luận: Việc con đường dân sinh rộng 6m là có trong quy hoạch, được thể hiện tại tờ sơ đồ số 15 và 22. Gia đình bà Thân Thị Lan phải trả lại đường 6m. Sau khi giải quyết dứt điểm, bản mới được tu sửa tránh tình trạng phát sinh sự việc mới.

Không đồng thuận với kết quả hòa giải, bà Thân Thị Lan đã có đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Yên Châu. Tòa án nhân dân huyện Yên Châu đã xác định đây là vụ án tranh chấp đất đai, mà cụ thể là đòi lại đất bị lấn chiếm.

Tại bản án số 03/2018/DS-ST ngày 23/3/2018, Tòa án nhân dân huyện Yên Châu đã buộc 6 hộ gia đình phải trả lại cho bà Lan tổng diện tích đất nương đã mở đường là 332m2 (chiều rộng 4m, chiều dài 83m). Bà Lan được quyền rào lại toàn bộ phần đất nương và mó nước của bà Lan do các hộ đã mở thành đường đi qua trên bề mặt mó nước.

Do không có đường đi lại, việc vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn

Không đồng ý với bản án trên, các hộ dân đã có đơn kháng cáo và được Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đưa ra xét xử phúc thẩm ngày 1/8/2018.

Tại Bản án số 28/2018/DS-PT ngày 1/8/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã tuyên hủy bản án sơ thẩm số 03 và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Yên Châu giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, do những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Trong phần nhận định của Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La, có nêu: Nội dung nhận định của bản án sơ thẩm mâu thuẫn với nội dung giấy tờ chuyển nhượng đất giữa ông bà Thúy Mùa (chủ cũ mảnh đất) với bà Lan. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ lời khai của nguyên đơn mà không tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan để làm rõ guồn gốc diện tích đất đang tranh chấp? Tổng diện tích đất bà Lan và anh Thiện (con trai bà Lan) nhận chuyển nhượng của ông bà Thúy Mùa? Diện tích đất đã được cấp GCN và diện tích chưa được cấp GCN là thiếu sót, cần được khắc phục bổ sung.

Tờ sơ đồ số 15 và 22 đều thể hiện có quy hoạch con đường dân sinh rộng 6m từ năm 1999

Đặc biệt, Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh, lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm rõ về quy hoạch và thực hiện quy hoạch nhằm xác định có hay không con đường này trên thực tế. Tại Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 26/12/2017 và sơ đồ kèm theo cũng không thể hiện hình thể thửa đất đang tranh chấp, chiều dài các cạnh thửa, số hiệu thửa, tên các công trình giáp ranh, chỉ dẫn hướng Bắc – Nam, chỉ giới, mốc quy hoạch; không xác định vị trí, loại đất, hiện trạng các tài sản trên đất nên không có căn cứ xác định diện tích và vị trí thửa đất đang tranh chấp nằm trong hay nằm ngoài diện tích đất bà Lan được quyền sử dụng.

“Việc cấp sơ thẩm giải quyết vụ án khi chưa thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có liên quan là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và đánh giá chứng cứ, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự” – Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La nhận định.

Ngày 17/7/2020, Tòa án nhân dân huyện Yên Châu mở lại phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa này, Tòa án mới xác định diện tích đất nương mà bà Lan đang sử dụng là 8.343m2, chưa được cấp GCNQSDĐ. Thế nhưng, tại Bản án số 02/2020/DS-ST ngày 17/7/2020, Tòa án nhân dân huyện Yên Châu vẫn tiếp tục tuyên xử: 4 ông Đinh Thế Sơn, Trần Văn Tự, Phạm Đức Thọ, Tạ Văn Nguyên phải trả phần đất đã san ủi, lấn chiếm đất mà bà Thân Thị Lan đang sử dụng. Mốc giới là mét thứ 3 tính từ mép suối cạn vào phía trong nương của bà Lan. Chiều dài tính từ mốc giáp đất nương của ông Nguyễn Văn Huế cách mép suối 2m, kéo theo cách mép suối 2m đều lên đến đỉnh nương của bà Thân Thị Lan 80,57m.

Sơ đồ vị trí khu vực đang tranh chấp

Ông Đinh Thế Sơn bức xúc: Xã đã 3 lần giải quyết hòa giải, địa chính xã cũng công nhận là có con đường. Thế mà, Tòa án vẫn xử ngược lại sơ đồ của huyện, xã, hòa giải của xã. Rõ ràng có đường quy hoạch mà chúng tôi không được đi, chỉ được đi bộ, xe máy phải lắp xích vào mới đi được. Vào mùa nông sản thì không vận chuyển được, vác bằng người và vận chuyển bằng xe máy. Chúng tôi cho rằng, việc xét xử của Tòa án nhân dân huyện Yên Châu là chưa khách quan, chưa đầy đủ, chỉ nghe ý kiến của 1 bên là bà Lan, còn tại các phiên tòa chúng tôi cũng không được phát biểu đầy đủ ý kiến.

Cũng theo ông Sơn, các hộ dân đã được triệu tập lên Tòa án huyện những… 9 lần! Chưa kể đến những lần đến nơi thì lại hoãn xử. "Nhất là lần xét xử ngày 27/9/2019, khi phiên xét xử gần xong, bà Lan đưa lên 1 tờ giấy không rõ giấy gì, thế là tạm đình chỉ phiên tòa. 5 ngày sau có giấy báo hoãn, hoãn 9 tháng liền" - ông Sơn nói.

Qua tìm hiểu của PV, tại 2 tờ sơ đồ số 15/SĐ, 22/SĐ (Sơ đồ giao đất năm 1999), đang lưu giữ ở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Yên Châu, đều có thể hiện rõ vị trí con đường 6m đã được quy hoạch từ năm 1999.

Phòng TN&MT huyện Yên Châu cũng khẳng định: Theo kết quả trích đo địa chính ngày 18/1/2019, hồ sơ địa chính lữu trữ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Yên Châu, thửa đất nông nghiệp có diện tích theo hiện trạng là 8.343m2 hiện chưa được cấp GCNQSDĐ. Việc chuyển nhượng giữa bà Đào Thị Thúy cho bà Thân Thị Lan đối với phần diện tích chưa được cấp GCN là không đảm bảo theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013. Tại khu đất đang tranh chấp theo hồ sơ địa chính (tờ sơ đồ số 15/SĐ, 22/SĐ) tiếp giáp với nhau và có quy hoạch đường dân sinh 6m và phù hợp với hiện trạng sử dụng đất.

Thế nhưng, theo ông Trần Văn Hoàng, Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Châu, về vụ việc này, Phòng TN&MT chỉ nhận được Công văn đề nghị làm rõ một số nội dung vướng mắc của Tòa án nhân dân huyện. Tiến trình, kết quả xử lý vụ việc ra sao, kết quả bản án thì Phòng TN&MT không nhận được.

Văn bản trả lời của Phòng TN&MT huyện Yên Châu

“Hiện nay, trong trường hợp hộ gia đình bà Lan đề nghị làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, vẫn phải chừa ra con đường 6m theo đúng quy hoạch” – ông Trần Văn Hoàng cho biết.

Ngay tại kết quả xác minh do Tòa án lập ngày 15/2/2019 thông qua ý kiến của các cụ lão thành sống lâu năm ở bản Mỏ Than đều cho biết: Họ đều là những người có tuổi, có người sống ở bản Mỏ Than từ năm 1962, có người mới chuyển đến ở từ năm 1980, họ đều xác nhận là có con đường mòn đi qua khu đất đang tranh chấp để lên nương một số hộ trong bản. Đến năm 1998-1999, Nhà nước quy hoạch có con đường 6m đi vào khu đất đang tranh chấp để có đường cho nhân dân đi lại vận chuyển nông sản.

Vậy, không hiểu vì lý do gì, Tòa án nhân dân huyện Yên Châu vẫn xét xử chỉ cho các hộ dân được sử dụng 2m đất để đi lại, thay vì 6m theo đúng quy hoạch?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hải, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hải, việc Tòa án nhân dân huyện Yên Châu xét xử như vậy là chưa khách quan, chưa đầy đủ. Những người cần tham gia để chứng minh nguồn gốc đất, cụ thể là cơ quan quản lý đất đai tại địa phương lại chưa được tham gia có ý kiến. Diện tích đất đang tranh chấp nằm trong phạm vi đất công và đất tư. Trong khi đất của người khởi kiện thì chưa được giao (chưa cấp sổ đỏ), chỉ có sự xác nhận giữa người bán – người mua. Việc hướng dẫn người dân trong quá trình thực hiện tố tụng tại phiên tòa và vụ án chưa đầy đủ.

Hiện nay, 7 hộ dân tại bản Mỏ Than đã tiếp tục có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La. Dự kiến, phiên xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tới.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp đường đi chung tại Yên Châu (Sơn La): Vi phạm thủ tục tố tụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO