Cụ thể, đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn tồn đọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay có 37/37 cơ sở đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để; trong đó có 18 cơ sở đã ngưng hoạt động sản xuất di dời, 19 cơ sở còn hoạt động sản xuất.
Đối với cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có tên trong Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay có 3/3 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để gồm: Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Bệnh viện Giao thông vận tải TP.HCM; Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam.
Đối với cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng mới phát sinh kể từ sau Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có 11/13 cơ sở đã có biện pháp cải tạo hệ thống xử lý nước thải, khí thải và kết quả phân tích đạt quy chuẩn cho phép; 1/13 cơ sở đã có biện pháp cải tạo hệ thống xử lý khí thải nhưng chưa ổn định; 1/13 cơ sở đã ngưng hoạt động sản xuất.
Đối với kế hoạch thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12, trong số 21 cơ sở phải xử lý, có 3/21 cơ sở tự nguyện di dời ra khỏi địa bàn thành phố, 2/21 cơ sở tự chuyển đổi ngành nghề khác phù hợp với quy hoạch tại địa phương; 16/21 cơ sở di dời vào Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 3.
Đối với Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, Thành phố đã giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn là chủ đầu tư và thực hiện việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 với công suất 6.000 m3/ngày, nhà máy cấp hơi tập trung đã xây dựng xong giai đoạn 1 với công suất 15 tấn hơi/ giờ, có hệ thống xử lý khí thải và sẵn sàng cấp hơi khi có cơ sở hoạt động.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thực trạng tại TP.HCM có rất nhiều hộ gia đình, công ty quy mô nhỏ hoạt động xen cài trong khu dân cư. Khi tiến hành xử phạt, các đơn vị này sẵn sàng nộp phạt, không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả đình chỉ hoạt động, gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn trong công tác xử lý của cơ quan nhà nước, cũng như hiệu lực của các quyết định xử phạt của cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho biết: Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố đôn đốc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt đểt để; thường xuyên giám sát các cơ sở đã thực hiện rút tên, tránh để xảy ra trường hợp tái phạm. Tiếp tục triển khai Quyết định số 6781/QĐ-UBND về kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố chủ trì và phối hợp UBND các quận, huyện kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, Thành phố cần tập trung nhiều nguồn lực triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X về Chương trình đột phá giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố sạch, xanh, bền vững.
Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thực hiện cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ nghiên cứu đề xuất tăng các loại phí, lệ phí và đề xuất các loại phí, lệ phí mới vào hoạt động doanh nghiệp có ảnh hưởng đến môi trường.