Khoáng sản

Tọa đàm “Vật liệu nào thay thế cát sông?”

Lê Hùng 24/11/2023 - 15:36

(TN&MT) - Ngày 24/11, tại TP. Cần Thơ, Báo Đại đoàn kết đã phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Vật liệu nào thay thế cát sông?”.

a1-cat.jpg
Quyền Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết Lê Anh Đạt phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết Lê Anh Đạt cho biết, nhằm tìm hiểu thực trạng thiếu cát thực hiện các công trình, dự án hiện nay tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như những giải pháp, vật liệu để thay thế cát sông, Báo Đại đoàn kết phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Vật liệu nào thay thế cát sông?”.

"Thông qua buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi sẽ lan toả đến cả nước để chia sẻ về câu chuyện thiếu cát sông và mong muốn trách nhiệm trong tương lai, chúng ta sẽ chống lại việc khai thác quá nhiều từ tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, mong chờ những giải pháp sáng tạo hơn, mang tính chất lâu dài để giải quyết được câu chuyện này từ góc nhìn cả thực tiễn lẫn khoa học” - ông Lê Anh Đạt thông tin.

a2-cat.jpg
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ phát biểu

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang triển nhiều công trình, dự án trọng điểm như: Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Khu công nghiệp VISIP... Do đó, nhu cầu về cát san lấp, cát xây dựng cho các công trình, dự án này là rất lớn, trong khi đó khối lượng cát trên địa bàn thành phố hiện còn tương đối ít và không đủ quy chuẩn để làm một số công trình, dự án.

"Trước những khó khăn nêu trên, TP. Cần Thơ đã giao cho các sở, ngành nghiên cứu sử dụng các vật liệu khác để thay thế cát sông, nhưng việc này cần phải qua quá trình nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian dài để khi sử dụng không ảnh hưởng tới chất lượng công trình, môi trường sinh thái" - ông Dương Tấn Hiển cho hay.

Cũng theo ông Dương Tấn Hiển, thông qua các ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Vật liệu nào thay thế cát sông?” hôm nay, sẽ góp phần giúp TP. Cần Thơ có nhiều giải pháp hơn trong việc tìm nguồn vật liệu khác thay thế cát sông để thực hiện các công trình, dự án, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

a33-cat.jpg
PGS .TS. Lê Anh Tuấn chia sẻ về những giải pháp vật liệu để thay thế cát sông

Tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu đều cho rằng, hiện nay, nhu cầu sử dụng cát sông tại Vùng ĐBSCL là rất lớn trong khi đó nguồn cát cung ứng ngày càng khan hiếm, do đó nhiệm vụ đặt ra là cần phải nghiên cứu để tìm những giải pháp thay thế cát sông để vừa bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, sinh thái bền vững và vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng ĐBSCL.

a3-cat.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm “Vật liệu nào thay thế cát sông?”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS .TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên Cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “Vấn đề sử dụng cát hiện nay đang mất cân đối giữa cung và cầu. Để giải bài toán này góp phần giảm gây tổn thương cho Vùng ĐBSCL, trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện chiến lược mới để thay thế cát sông thông qua việc giảm bớt sử dụng bê tông tại các công trình, dự án; tăng cường sử dụng các vật liệu như nhôm, thép để làm công trình trường học, bệnh xá. Điều này vừa giảm lượng cát san lấp, xây dựng và vừa phù hợp với Vùng ĐBSCL; đồng thời, cũng cần tính đến phương án làm đường trên cao; mở rộng giao thông đường thủy để giảm bớt áp lực đường trên bộ; giảm lượng cát sử dụng cho các công trình, dự án tại mỗi địa phương".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm “Vật liệu nào thay thế cát sông?”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO