Thuận Châu (Sơn La): Nỗ lực nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt

Nguyễn Nga | 26/09/2021, 08:58

(TN&MT) - Huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có 28 xã, 1 thị trấn với 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Tuyên truyền, vận động người dân đào hố xử lý rác

Tông Cọ là xã đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2022 của huyện Thuận Châu. Trong đó, năm 2021, Tông Cọ đang dồn các nguồn lực để thực hiện đạt tiêu chí môi trường, nhất là công tác thu gom, xử lý rác thải.

Ông Lò Văn Định, Bí thư Đảng ủy xã Tông Cọ cho biết: Trước đây, trên địa bàn xã có tình trạng vứt rác thải bừa bãi, nuôi gia súc dưới gầm sàn… gây mất vệ sinh môi trường. Trước thực trạng đó, xã đã chỉ đạo Hội phụ nữ xã thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn xã với phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, đào hố xử lý rác thải; vận động từng hộ gia đình xây dựng chuồng trại chăn nuôi cách xa nơi ở.

Khu xử lý chất thải rắn huyện Thuận Châu tại xã Púng Tra, công suất xử lý từ 80-120 tấn/ngày đêm. 

Nhờ đó, đến nay, toàn xã có 2.268 hộ dân đã tổ chức thu gom rác, đạt 100%; tỷ lệ xử lý rác đạt 90%. Trong đó, có 5 bản Hình, Lào, Lè, Thúm Cáy, Sen To đã bố trí 12 điểm tập kết rác thải để Công ty dịch vụ đô thị vào thu gom, 7 bản còn lại người dân tự đào các hố rác mini để xử lý rác.

Bản Cọ là 1 trong 12 bản của xã Tông Cọ người dân thực hiện tự thu gom rác thải. Với 133 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, khi chưa bắt tay vào xây dựng NTM, công tác bảo vệ môi trường chưa được người dân thực sự quan tâm. Ông Lường Văn Thương, Bí thư chi bộ bản Cọ chia sẻ: Để nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho người dân, chi bộ bản đã triển khai để Đảng viên gương mẫu đi đầu làm đường điện chiếu sáng, đưa gia súc ra khỏi gầm sàn, xê dịch hàng rào, đào hố rác. Từ đó, người dân dần hiểu rõ lợi ích, đồng lòng hưởng ứng, tích cực tham gia. Hiện 133 hộ dân của bản đều đã có hố rác tại hộ gia đình để xử lý rác thải sinh hoạt, giữ sạch nhà, sạch ngõ. Không chỉ thế, người dân rất tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh đường bản, ngõ bản.

Vận động người dân tích cực ra quân vệ sinh môi trường.

10/28 xã thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải

Thực hiện chỉ tiêu chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, ngay từ đầu năm, huyện Thuận Châu đã ban hành Công văn về việc thực hiện Chỉ thị 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện, trong đó, giao rõ nhiệm vụ và trách nhiệm đến các phòng ban, cơ quan liên quan.

Đoàn viên thanh niên xã Chiềng Ly ra quân thu gom bao gói thuốc BVTV.

Thường xuyên hướng dẫn về công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt để nâng cao ý thức tự giác thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn của người dân, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, đổ rác thải sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện, người thực hiện thu gom.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó phòng TN&MT huyện Thuận Châu cho biết: Hiện nay, với khu vực thị trấn Thuận Châu, đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường và đô thị Sơn La - Chi nhánh Thuận Châu thực hiện vệ sinh thu gom từ các hộ gia đình, công sở, trường học, chợ, vỉa hè, lòng đường, các khu công cộng... tập kết tại 26 điểm trung chuyển rác, sau đó vận chuyển bằng xe ép rác chuyên dụng đưa về khu xử lý bãi rác tập trung tại xã Púng Tra, phân loại sơ bộ và xử lý chôn lấp hợp vệ sinh.

Huyện Thuận Châu vừa bàn giao 4 bể đốt rác tập trung cho người dân bản Cọ và bản Phé, xã Tông Cọ.

Tại các xã, đã có 10/28 xã ký kết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn với Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La. Các xã còn lại, đã chỉ đạo các xã thành lập các tổ tự quản, tuyên truyền, vận động người dân thu gom vận chuyển rác thải đến nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, huyện Thuận Châu đã giao các phòng, ban, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn để hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Qua kết quả rà soát của UBND huyện Thuận Châu, tại khu vực nông thôn, tổng số hộ được thu gom rác là 29.291/37.582 hộ, đạt 77,94% (thu gom tập trung, hộ gia đình tự thu gom, chôn hoặc đốt rác tại vườn…) Lượng chất thải được thu gom khoảng 21.402kg/ngày; lượng chất thải được xử lý khoảng 20.334kg/ngày, đạt 86,8%.

Các hộ còn lại chưa được thu gom là do địa bàn rộng, phức tạp; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới cộng đồng dân cư còn hạn chế, nhất là tại các xã vùng cao; lượng rác thải phát sinh ít nên người dân chỉ thực hiện đốt rác thủ công, không thu gom.

UBND các xã, thị trấn theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường công cộng và khu dân cư.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Giáo xứ Kẻ Vàng với những mô hình "xanh"
    (TN&MT) - Giáo xứ Kẻ Vàng (xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) với 100% là người công giáo đã và đang thực hiện nhiều mô hình "xanh" bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả cao như: xây dựng vườn mẫu, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần...

(0) Bình luận
Nổi bật
Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường
Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO