Thừa Thiên Huế: Chậm quy hoạch phát triển du lịch biển và đầm phá

31/10/2017 00:00

(TN&MT) - Đầu tư phát triển du lịch biển, đầm phá đang là hướng đi của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ và chậm quy hoạch trong công tác phát triển du lịch biển, đầm phá nên vẫn chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch vốn có của mình.

Ngoài các đơn vị đã đầu tư vào Huế cách đây hàng chục năm về trước như: Công ty cổ phần du lịch Hương Giang, Thanh Tân, Cố Đô và hệ thống nhà nghỉ của khách sạn công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh)... Những năm nay, Huế đã có thêm các dự án đầu tư nước ngoài đến triển khai xây dựng trong lĩnh vực du lịch, điển hình như khu du lịch Laguna Huế có tổng số vốn đầu tư 875 triệu USD đã được khởi công từ tháng 8/2009 trên vùng vịnh Lăng Cô thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Khu du lịch Laguna Huế là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất hiện nay ở Thừa Thiên - Huế do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư. Khi hoàn tất, Laguna Huế sẽ có 7 khu khách sạn cao cấp với 2.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1.000 căn nhà, khu trung tâm hội nghị, mua sắm quốc tế, sân gofl cùng nhiều hạng mục khác để phát triển du lịch, trên tổng diện tích khoảng 280 ha. 

Thừa Thiên Huế còn có diện tích đất ngập mặn ở đầm phá và ven biển rất lớn, chủ yếu là vùng rú chá Hương Phong (thị xã Hương Trà); Cảnh Dương và đầm Lập An, Lăng Cô (huyện Phú Lộc), Tân Mỹ (huyện Phú Vang). Do diện tích rừng ngập mặn còn lại ít nên việc trồng rừng ngập mặn để tái tạo và phục hồi, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển rất được tỉnh chú trọng. Theo quy hoạch, việc trồng rừng ngập mặn ở Hương Phong đồng thời với việc phát triển các ngành dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái kết nối với hệ sinh thái bền vững vùng đầm phá Tam Giang.

Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung vào bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, làm tiền đề cho phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống...

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định và cho rằng, quản lý nhà nước về biển, đảo, đầm phá là lĩnh vực mới.Các hoạt động thuộc phạm vi biển, đảo và đầm phá lại do nhiều ngành thực hiện, chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do đó, công tác quản lý vùng bờ mang tính tổng hợp đòi hỏi phải được sự phối hợp thống nhất của đa ngành, tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên môi trường mới đạt được kết quả. Với tinh thần đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế, và Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 để góp phần nâng cao ý thức trong hoạt động khai thác tài nguyên bảo vệ môi trường biển, đảo; đồng thời nâng cao nhận thức trong công tác quản lý nhà nước về biển đảo và đầm phá.

Thời gian qua, mặc dù qua các kỳ Festival Huế, Thừa Thiên Huế đều cố gắng tổ chức các tour du lịch tham quan đầm phá, ngắm "mặt trời mọc" từ bãi biển Lăng Cô, kết hợp với việc tổ chức các lễ hội "Thuận An biển gọi", "Lăng Cô huyền thoại biển" để thu hút khách du lịch. Nhưng tình trạng chung là xong lễ hội, khách cũng thưa vắng theo. Chỉ tính tour du lịch tham quan vùng đầm phá đến nay cũng chỉ thu hút được khoảng 4.000 du khách/mùa lễ hội. Các bãi biển nổi tiếng khác như Cảnh Dương, Tư Hiền... đều hình thành một cách tự phát, các dịch vụ tại chỗ đều do người dân địa phương tự tổ chức, chất lượng không ổn định và thiếu tính chuyên nghiệp nên khó thu hút được khách du lịch, nhất là người nước ngoài.

Tại bán đảo Sơn Chà đã từng có hợp tác với các nhà đầu tư để phát triển du lịch lặn biển, kết hợp với các trò chơi trượt nước, lướt ván... trên biển, đáp ứng nhu cầu cho những du khách thích cảm giác mạnh nhưng sau nhiều năm vẫn chưa thấy triển khai.

Nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước, xử lý môi trường…thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguồn lực đầu tư cho nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng kịp thời. Chế biến sản phẩm thủy sản chưa mạnh, thiếu ổn định, khả năng cạnh tranh chưa cao. Du lịch chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác xúc tiến đầu tư các dự án du lịch và hạ tầng còn chậm, nguy cơ tái nghèo cao do tác động của sự cố môi trường biển…

Quốc Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Chậm quy hoạch phát triển du lịch biển và đầm phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO