Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, năm 2019, dư nợ tín dụng bất động sản duy trì được ổn định; đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực bất động sản trong 11 tháng đầu năm đạt 3,31 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 10,4% tổng số vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo…
Thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định hơn. |
Theo Bộ Xây dựng, trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản thì có thể dự báo thị trường bất động sản đến năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra "bong bóng bất động sản".
Tuy nhiên, trong năm 2020 thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.
“Trong năm 2020 chưa có các dấu hiệu, trạng thái cực đoan lớn. Tuy nhiên thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp cần luôn được được quan tâm theo dõi sát, không chủ quan” – Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, để tiếp tục kiểm soát và thúc đẩy thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển hiệu quả, lành mạnh, ổn định, các địa phương cần chỉ đạo và thực hiện tốt việc theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản; tăng cường kiểm soát thị trường, chủ động ứng phó với các tình huống biến động cực đoan của thị trường.
Cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản đang bị ách tắc trong triển khai (nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội), nếu không khai thông được sẽ lãng phí vốn đầu tư, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách địa phương và quan trọng hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Về phía Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng hóa các loại hàng hóa bất động sản nhà ở trong đó đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội đô thị, nhà ở cho công nhân lao động, nhà ở cho thuê.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mô hình hợp lý để huy động các nguồn lực; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho nhà ở xã hội.
Tiếp tục rà soát, đánh giá các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, từ đó nghiên cứu, đề xuất cơ chế tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát các địa phương trọng điểm trong việc triển khai các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị, dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật...
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2019, tổng số giao dịch nhà đất thành công khoảng 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018.
Hà Nội giá căn hộ chung cư quý 4/2019 tăng khoảng 0,54% so với cùng kỳ; giá nhà ở nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ. Tại Tp.HCM: giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,52% so với cùng kỳ; giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 9% so với cùng kỳ.