Đi từ nỗ lực
Nhìn lại thời điểm 10 năm trước, khi mà UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2570/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó chú trọng công tác bảo tồn ĐDSH biển, những con số cụ thể đã được đặt ra để các cấp, các ngành phấn đấu và nỗ lực hoàn thành.
Với mục tiêu ban đầu từ giai đoạn 2010-2015 được định hướng rõ ràng như nâng tỷ lệ diện tích đất ngập nước được bảo vệ, duy trì ĐDSH lên khoảng trên 13%; 30% diện tích khu bảo tồn vùng biển Đảo Mê; nghiên cứu mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển mới.
Trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái đa dạng sinh học |
Kế hoạch được ban hành, song nhìn thẳng vào thực trạng lúc đó, tỉnh Thanh Hóa đang phải đối mặt với các khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn ĐDSH biển nói chung, vùng biển ngoài khơi nói riêng. Các rào cản đến từ sức ép kinh tế như: Phát triển du lịch biển, tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra, sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Nguyên nhân chính suy giảm diện tích rừng ngập mặn là phá rừng để làm đầm nuôi tôm theo lối quảng canh, bán công nghiệp đang diễn ra trên khắp các vùng ven biển nước ta.
Trước tình hình trên, các ban, ngành liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển đã tập trung triển khai thực hiện Luật ĐDSH (năm 2008); Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, có mục tiêu quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển...
Đặc biệt, ngày 26/05/2010 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 742/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống 16 khu bảo tồn biển, trong đó có Đảo Mê – Thị xã Nghi Sơn. Địa phương và ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh các thủ tục cần thiết để tiến hành thẩm định, thành lập và đưa Khu Bảo tồn biển Đảo Mê vào hoạt động. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó các sự cố môi trường biển... để ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển.
Các ngành, các địa phương ven biển khác tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm - khoa học, du lịch cộng đồng. Vận động người dân ven biển chuyển đổi các hoạt động liên quan đến xâm hại, tác động đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế, việc làm mới cho người dân tại khu vực này.
Đến con số thiết thực
Sau 10 năm tỉnh Thanh Hóa nỗ lực không ngừng trong công tác bảo tồn và phát triển ĐDSH, từ đó đạt được những kết quả tích cực. Qua nghiên cứu khảo sát của các ngành có liên quan của Trung ương cũng như của tỉnh đánh giá rất cao tính ĐDSH biển. Theo số liệu thống kê năm 2019, tại vùng biển ven bờ cửa Lạch Hới đã xác định được 115 loài cá thuộc 38 họ, 13 bộ. Trong đó, cá vược (Perciformes) với 65 loài (chiếm 56,52% tổng số loài); cá trích (Clupeiformes) với 17 loài (chiếm 14,78% tổng số loài); cá bơn (Plcuroncctiformcs) với 11 loài (chiếm 9,57% tổng số loài)...
Khu vực này có 5 loài cá có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, gồm cá bống bớp (bậc rất nguy cấp - CR), cá mòi cờ hoa (bậc nguy cấp - EN) và 3 loài cá mòi cờ chấm, cá cháo lớn, cá mòi mõm tròn ở bậc sẽ nguy cấp -VU. Trừ cá bống bớp và cá mòi cờ chấm, 3 loài cá còn lại đều đang trong tình trạng không còn khả năng khai thác.
Để bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH biển, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm môi trường biển, hoàn thiện thể chế quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên |
Khảo sát tại vùng biển Đảo Mê từ năm 1993 đến năm 2019 cũng cho thấy, đã thống kê được 102 loài tảo (thuộc các ngành: Tảo lam 3 loài, tảo silic 85 loài, tảo giáp 11 loài và tảo lục có 4 loài), 47 loài động vật thân mềm, 7 loài da gai, 37 loài giáp xác, 15 loài rong biển, 72 loài san hô.
Ở khu vực tầng đáy có 12 loài (bào ngư chín lỗ, ốc đụn, ốc xà cừ, bàn mai quạt, bào ngư bầu dục, trai ngọc môi đen, trai ngọc môi vàng... và 2 loài san hô (san hô lỗ đinh nôbi và san hô khối đầu thùy) quý hiếm được phân hạng nguy cấp của Sách Đỏ Việt Nam. Bên cạnh đó, các cảnh quan ven bờ biển, các đảo ven bờ có hệ sinh thái tự nhiên với tính ĐDSH cao, còn là nền tảng cho ngành du lịch phát triển.
Để bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH biển, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải; rà soát, hoàn thiện thể chế quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên mới, bảo vệ các hành lang ĐDSH theo quy định của Luật ĐDSH và các luật liên quan; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế trong bối cảnh BĐKH; triển khai các giải pháp bảo tồn và phát triển ĐDSH thông qua chính sách cụ thể để thu hút các thành phần trong xã hội tham gia để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao do BÐKH.