Xã hội

Thái Nguyên: Phát triển mô hình sinh kế giúp giảm nghèo bền vững

Trung Nguyên 30/08/2024 - 16:10

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn các mô hình giảm nghèo đem lại giá trị kinh tế cao để nhân rộng trên địa bàn, giúp các hộ thoát nghèo và tăng thu nhập.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,33% (vượt mục tiêu 0,33%), trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2%.

Một trong những điển hình là huyện Phú Lương. Từ nguồn kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng, giai đoạn 2022 – 2023 huyện đã triển khai 8 dự án hỗ trợ trâu bò, dê sinh sản, với tổng số 185 hộ dân nhận hỗ trợ. Năm 2024, huyện thực hiện 3 dự án chăn nuôi trâu sinh sản tới 111 hộ tại xã Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành (trong đó có 81 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng).

nguoi-dan-xa-dong-dat-phan-khoi-khi-nhan-trau-giong.jpg
Người dân phấn khởi khi nhận trâu giống

Để việc triển khai các mô hình đa dạng sinh kế mang lại hiệu quả, trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế, các địa phương lập danh sách, tổ chức bình xét các đối tượng để hỗ trợ. Trước khi cấp cho người dân, ngành chuyên môn đã tiến hành tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt, huyện Phú Lương đã tổ chức cho các hộ dân được đến tận các trang trại, các địa điểm cung cấp con giống để tự lựa chọn con giống cho gia đình mình. Từ đó, đảm bảo khách quan khâu chọn con giống và để phù hợp với quá trình nuôi của từng gia đình.

Trong quá trình nuôi, huyện đã cử cán bộ thú y theo dõi chặt chẽ đối với các hộ nuôi, tiêm phòng định kỳ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng như cách chăm sóc trâu khi giao mùa… Đồng thời, tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giúp người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Việc làm này đã góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác, giúp người dân chăn nuôi hiệu quả. Thông qua các mô hình, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế, huyện còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên các lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo.

cac-ho-dan-xa-dong-dat-truc-tiep-lua-chon-con-giong-tai-trai-trau-giong-htx-dich-vu-tong-hop-va-san-xuat-nong-nghiep-lua-vang.jpg
Các hộ dân đến tận điểm cung cấp con giống để tự lựa chọn

Những năm qua, huyện Phú Lương cũng tập trung các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ được 298 nhà với kinh phí hỗ trợ 15,4 tỷ đồng. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phú Lương đã giảm đáng kể, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 736 hộ (chiếm 2,86%), giảm 317 hộ so với đầu năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện ước đạt 52 triệu đồng/người/năm.

Tại huyện Định Hóa, mô hình chăn nuôi bò sinh sản cũng đang được thực hiện có hiệu quả. Năm 2023, trên địa bàn toàn xã có 10 hộ dân thuộc hai xóm đặc biệt khó khăn là Khuôn Tát và Nạ Tẩm được hỗ trợ con giống và đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Mỗi hộ dân được nhận một con bò giống, trong đó Nhà nước hỗ trợ 95% và người dân đối ứng 5% tiền con giống. Cùng với triển khai đồng bộ từ chính sách đến mô hình thực tiễn, đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Định Hóa so với đầu năm 2022 giảm từ 4.596 hộ (17,39%) xuống còn 1.432 hộ (5,42%); hộ cận nghèo giảm từ 3.922 hộ (14,84%) xuống còn 1.204 hộ (4,56%).

can-bo-chuyen-mon-cua-trung-tam-dich-vu-nong-nghiep-huyen-va-lanh-dao-xa-thuong-xuyen-kiem-tra-trau-giong-cua-cac-ho-gia-dinh(1).jpg
Cán bộ chuyên môn của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thường xuyên kiểm tra trâu giống của các hộ gia đình

Tính chung toàn tỉnh Thái Nguyên hiện vẫn còn 10.190 hộ nghèo và 9.516 hộ cận nghèo. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh xác định biện pháp cốt lõi, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo là triển khai thực hiện tốt các mô hình giảm nghèo. Theo đó, mục tiêu năm 2024 là giảm 3.486 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo luôn bám sát thực tiễn, kịp thời hỗ trợ nhanh nhất cho người dân về vốn vay, vật tư sản xuất và khoa học kỹ thuật. Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đa dạng về ngành nghề, nhiều hình thức theo hộ hoặc tập thể và sử dụng từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ. Với hình thức đầu tư trực tiếp, mô hình đã trở thành “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo có phương tiện sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Tỉnh Thái Nguyên xác định, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, tăng cường liên kết giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan. Cùng với phát triển mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của kế hoạch và quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Phát triển mô hình sinh kế giúp giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO