(TN&MT) – Chơi đồ gỗ là thú vui cuốn hút đại đa số người dân phố núi Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. Đồ gỗ vừa là vật trang trí đồng thời cũng thể hiện đẳng cấp của gia chủ, cho nên người chơi luôn muốn sở hữu những món đồ vừa độc, vừa lạ, vừa có giá trị. Và để đáp ứng thú chơi ấy là những cánh rừng luôn “chảy máu”, kéo theo nhiều hậu quả mà chính con người phải gánh chịu.
Sức hút khó cưỡng
Ngay từ xa xưa, đồ gỗ đã được rất nhiều người ưa chuộng và cũng là hiện vật để đánh giá mức độ giàu sang của gia chủ. Đến hiện nay, quan niệm đó vẫn không thay đổi và thú chơi đồ gỗ ngày càng phổ biến hơn trong mọi tầng lớp người dân. Ở nơi vốn sẵn gỗ và lại nhiều gỗ quý như Tây Nguyên, đồ gỗ hẳn nhiên phải có một chỗ đứng đặc biệt. Nhìn chung, nhà nào cũng sở hữu ít nhiều một số món đồ gỗ làm vật trang trí. Đó là chưa kể, nhà ở Tây Nguyên, gỗ là vật liệu chính làm nên các bộ phận như cửa, lam-ri, sàn, cầu thang…
Ở Gia Lai, nhu cầu chơi đồ gỗ rất lớn, vì thế, người ta có thể thấy đồ gỗ được bán khắp mọi nơi, kín đáo có và cả vỉa hè cũng có. Trong đó chủ yếu là đồ gỗ trang trí nội thất, giá cả cũng phong phú bởi có món chỉ tiền trăm, cũng có món lên đến bạc tỷ. “Chơi đồ gỗ mĩ nghệ ở Gia Lai phổ biến nhất phải kể đến các loại tượng gỗ: tượng Tam Đa, thần tài, Đạt Ma, Quan Vân Trường…, hay bàn ghế Minh Đào, trúc, lục bình… Có chiếc chỉ vài triệu, nhiều hơn lên đến vài chục triệu hoặc một số trường hợp lên đến một vài trăm triệu. Đó là hàng bình dân, đại trà. Hàng đẳng cấp phụ thuộc vào loại gỗ, độ lớn và mức độ độc đáo, hiếm có”, L. một người chuyên buôn bán đồ gỗ từ Gia Lai ra thị trường phía Bắc, chia sẻ.
Theo anh này, muốn chơi đồ gỗ và thậm chí là gỗ quý ở Gia Lai không phải là quá khó hay quá đắt. “Vài ba triệu cũng có thể mua được tượng gỗ trắc, hương, cà te, cẩm... nhưng chỉ là hàng vụn, hàng nhỏ và hay vấp phải gỗ non tuổi. Hàng có giá trị phải có độ lớn và tạo dáng thế đột biến. Dáng đẹp tự nhiên càng quý, dáng ghép thì mất giá nhiều”, L. tâm sự.
Với kinh nghiệm nhiều năm chuyên đẩy hàng gỗ ra Bắc và để cạnh tranh với sản phẩm của các làng gỗ vốn nổi tiếng như Đồng Kỵ, L. luôn nhắm tới các sản phẩm độc và đẹp. Vất vả và khó tìm song số tiền kiếm được thì không ít. “Thời điểm năm 2011, mình săn được 3 bộ ngựa gỗ hương nguyên khối khá đẹp ở Camphuchia đưa về. Giá 3 bộ mình mua chỉ mất chưa đầy 500 triệu nhưng đưa ra Bắc, số tiền mình thu lại suýt soát 2 tỷ. Có bộ ngựa gỗ cà te nguyên khối, đường kính 2,1m, dài 4m được đại gia Hà Nội chi giá hơn 1,1 tỷ để đưa về. Những món hàng này thông thường các đại gia mới chơi, chỉ cần họ thích thì bao nhiêu tiền cũng không là vấn đề”, L. tiết lộ.
Cũng có những bộ gốc hương, cà te, cẩm… cổ thụ đã tạo thành lũa được phát hiện và đưa về, qua đục đẽo tạo dáng thế, những gốc cây từng nằm giữa rừng hoang đã trở thành món hàng lên tới vài trăm triệu. “Trước đây mình từng sở hữu gốc hương nguyên khối nặng hơn 1 tấn, tuổi cây ấy dễ phải lên đến vài trăm năm tuổi. Khách trả hơn trăm triệu và phải chỗ thân quen lắm nên vì nể mới cho đi, chứ cỡ hàng ấy càng để càng có giá mà dễ gì kiếm được”, L. kể.
Thú chơi phá rừng
Để có được những món hàng đồ gỗ độc và đẹp, tất nhiên người ta phải lặn lội tìm kiếm tận tới những cánh rừng sâu. Khi nhu cầu cao thì những cây gỗ quý vài trăm năm tuổi hay kể cả mới vài chục năm cũng đều bị đốn hạ không thương tiếc để phục vụ thú chơi và nhu cầu sử dụng đồ gỗ. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng phá rừng diễn ra tới mức báo động thời gian qua. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, tình trạng suy giảm diện tích rừng Tây Nguyên đang diễn ra ở mức độ cao, trung bình giảm khoảng 25.737 ha/năm. Chất lượng rừng cũng suy giảm rõ rệt khi diện tích rừng có trữ lượng chỉ còn lại rất ít, chỉ khoảng 1,7 triệu ha (tỉ lệ che phủ 32,4%), diện tích còn lại là rừng chưa có trữ lượng hoặc trữ lượng thấp.
Ngoài chơi đồ gỗ thông thường, giới giàu sang còn săn lùng những món hàng độc và gắn liền với những quan niệm về tài lộc. Đỉnh cao của sự xa xỉ này là trầm hương. “Thi thoảng mình cũng săn được trầm gió bầu với mức giá vài ba trăm triệu cho khách, còn kỳ nam thì quá xa vời. Muốn sở hữu loại này phải có trong tay tiền tỷ mới mơ tới”, L. chia sẻ. Khai thác trầm hương cũng là một trong những nguyên nhân khiến rừng xanh “chảy máu” và hủy hoại hệ thực vật rừng tàn bạo bậc nhất. Thực tế cho thấy, tại địa bàn các huyện Kông Chro, Mang Yang, Đak Pơ (Gia Lai), nơi thỉnh thoảng vẫn xuất hiện lời đồn về kỳ nam đã khiến cho những cánh rừng nơi đây trở nên náo loạn bởi từng đoàn người ồ ạt đổ về tìm kiếm ước vọng đổi đời nhờ “lộc rừng”.
Có một thực tế mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy đó chính là thời tiết đang biến đổi rõ rệt từng ngày. Môi trường ngày càng ô nhiễm, trái đất nóng lên, khí hậu biến đổi gây nên những trận hạn hán hay lụt lội kinh điển, để lại hậu quả vô cùng to lớn. Vì rừng là lá phổi xanh của trái đất nên khi rừng mất đi thì chính con người phải gánh chịu những tác hại tiêu cực lâu dài mà nó gây ra. Có đáng không khi con người đang đánh đổi cả mạng sống của mình chỉ vì một thú chơi đồ gỗ?.
Bài & ảnh: Quế Mai