Trước đây, các hộ dân bản Sói dẫn nước về đơn giản bằng các ống tre, nứa… |
Bó Mười… "khát" nước
Bó Mười là xã vùng 2 của huyện Thuận Châu, cách trung tâm huyện khoảng 21km, có 18 bản với 99% dân số là đồng bào dân tộc Thái.
Những năm qua, trên địa bàn xã đã được đầu tư 10 công trình cấp nước sinh hoạt với nguồn vốn từ Chương trình 135 và Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, tới nay, 1 công trình đã hư hỏng hoàn toàn, 9 công trình còn lại trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bó Mười cho biết: Để có nước sinh hoạt, nhà nào có điều kiện thì mới đầu tư đường ống để dẫn nước về dùng, không có thì người dân phải đi gánh nước từ cách đó 300-500m về. Đường ống dẫn nước đơn giản là những ống nhựa được dẫn qua nương rẫy, rất dễ bị trâu bò giẫm hỏng. Mùa khô thì nước cạn, mùa mưa nước đục ngầu, không đảm bảo vệ sinh. Cuộc sống của người dân thiếu nước, khó khăn trăm bề.
"Nhiều khi biết là nước không sạch nhưng không còn cách nào khác. Đáng lo nhất, nhiều khi nước mó, nước ao còn bị ảnh hưởng do thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại cho sức khỏe của người dân. Trong khi, nhiều người dân đi làm nương về còn uống nước trực tiếp, không qua đun nấu" – ông Lường Văn Hùng nói.
Cần nhân rộng mô hình
Bó Mười là một trong 32 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La khan hiếm nguồn nước sạch. Tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp để tạo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh là một trong các nhiệm vụ trong tâm được tỉnh Sơn La đặt ra.
Trên cơ sở đó, Trung tâm nước sạch và VSMT Nông thôn Sơn La đã tiến hành nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm "Ứng dụng băng thu nước ngầm để thu nước trong vùng đất ẩm ướt tạo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các vùng khan hiếm nước thuộc các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh”. Đây là giải pháp công nghệ rất phù hợp cho công trình quy mô nhỏ, tạo bước đột phá trong giải quyết tạo nguồn cho các vùng khan hiếm nước và có khả năng nhân rộng, áp dụng cho xây mới, cải tạo các công trình nước sạch nông thôn miền núi.
Nước ngầm thu được từ hệ thống đạt ngay độ trong theo quy chuẩn nước sinh hoạt. |
Dự án được chấp thuận triển khai từ tháng 10/2015 đến nay, do Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La làm chủ đầu tư, kinh phí thực hiện hơn 1,3 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn nhân dân đóng góp. Trước mắt, dự án được thử nghiệm để cấp nước cho 55 hộ dân ở bản Sói, xã Bó Mười.
Ông Trần Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMT Nông thôn Sơn La cho biết: "Về công nghệ, tới thời điểm này tôi có thể khẳng định đã thành công. Giải pháp này đã lấy được nước từ tầng ẩm ướt, cách mặt đất khoảng 1m. Công trình thu nước được vùi kín dưới tầng đất thổ nhưỡng do vậy không làm mất đất canh tác sản xuất của người dân, không bị nhiễm khuẩn, nước đạt ngay độ trong theo quy chuẩn nước sinh hoạt. Do vậy, công trình cấp nước không cần hệ thống bể lắng, lọc như cấp nước truyền thống. Hiện nay, chúng tôi đã dẫn nước về phục vụ 6/55 hộ dân. Kết quả phản hồi bước đầu rất tốt. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi về chất lượng nguồn nước."
Hiện nay, 6/55 hộ gia đình tại bản Sói, xã Bó Mười đã có nước sạch để dùng. |
Dự kiến, tháng 6/2016, dự án sẽ hoàn thành công tác thi công xây dựng ngoài thực địa, và tiến hành cấp nước tới từng hộ gia đình. Tới hết năm 2016, Trung tâm Nước sạch và VSMT Nông thôn Sơn La sẽ chính thức chuyển giao công nghệ cho xã Bó Mười. Sau khi công trình đưa vào sử dụng, để nâng cao hiệu quả quản lý sau đầu tư, UBND xã Bó Mười sẽ tổ chức lựa chọn cá nhân hoặc tổ chức quản lý theo hình thức cạnh tranh.
Đồng thời, khi dự án này hoàn thiện, Trung tâm Nước sạch và VSMT Nông thôn Sơn La sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tới các xã, bản khác trên toàn tỉnh, phấn đấu nâng tỷ lệ người dân Sơn La được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 95% tới năm 2020.
Nguyễn Nga