Sớm tổ chức Kế hoạch giám sát bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải

Báo TN&MT| 11/01/2022 21:09

(TN&MT) - Cử tri tỉnh Hưng Yên có phản ánh: Sông Bắc Hưng Hải chảy qua các xã trên địa bàn tỉnh nhiều năm chưa được cải tạo, nạo vét, nước sông màu đen đậm đặc bốc mùi hôi thối rất khó chịu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân xung quanh. Hiện nay, do nguồn nước bị ô nhiễm nên không phục vụ sản xuất được.

Cử tri đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng có biện pháp chỉ đạo chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các công ty, doanh nghiệp xả thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải và sớm có các giải pháp kỹ thuật, đầu tư đồng bộ để làm sạch dòng sông.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:

Xin thông tin thêm, để bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra nhiều quy định mới, quyết liệt và rõ ràng hơn, cụ thể: Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm.

Trong năm 2022 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức Kế hoạch giám sát bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải.

Quy định này là cơ sở pháp lý rõ ràng để các doanh nghiệp phải đầu tư thay đổi loại hình, công nghệ sản xuất phù hợp, đưa ra các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường tốt nhất. Đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư đảm bảo yếu tố môi trường. Quy định này đã nêu rõ định hướng, quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường.

Để khắc phục được triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Bắc Hưng Hải cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều Bộ, ngành trong đôn đốc, chỉ đạo, hoàn thiện các thể chế, chính sách, thanh tra, kiểm tra, điều phối; đặc biệt là vai trò của địa phương nơi quản lý các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ nguồn thải trên lưu vực. Theo đó, lần đầu tiên “cộng đồng dân cư” được bổ sung vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đối tượng áp dụng (Điều 2) của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường lưu vực sông nói riêng, cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp như đã báo cáo tại Công văn số 4935/BTNMT-PC. Đặc biệt, trong năm 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức Kế hoạch giám sát bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Để tăng cường hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TN&MT đề nghị cộng đồng dân cư trên địa bàn phát huy vai trò trong công tác bảo vệ môi trường, xác lập, thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường và các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường đã được quy định tại Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm tổ chức Kế hoạch giám sát bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO