Bộ TN&MT vừa tổ chức Hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững TNN lưu vực sông Hồng - Thái Bình”.
Quy hoạch TNN quốc gia là định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông
Nhận diện rõ yếu tố bất ổn
Các chuyên gia nhận định, lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên khoảng 169.000km2, trong đó, phần lưu vực nằm ở Việt Nam là lớn nhất, với hơn 50%. Đây là lưu vực sông lớn nhất cả nước chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống. Tuy vậy, hệ thống sông Hồng - Thái Bình đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; ô nhiễm nước dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm, ảnh hưởng của các hồ chứa ở thượng lưu tác động đến bồi xói lòng, bờ bãi sông, bồi xói cửa sông và xâm nhập mặn vùng cửa sông; sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp…
Để phát triển bền vững an ninh nguồn nước, hài hòa lợi ích giữa các đối tượng sử dụng nước, việc quy hoạch TNN là rất cần thiết và cần được thực hiện ngay cho lưu vực sông Hồng - Thái Bình, một trong những lưu vực sông lớn và có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của nước ta.
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình có tính chất kỹ thuật chuyên ngành lần đầu tiên được lập cho lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Trong đó, quy hoạch gồm có: Phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước; lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên từng nguồn nước theo không gian, thời gian; dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác của các tầng chứa nước; lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng theo không gian, thời gian; công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển TNN...
Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành công tác thu thập số liệu, tài liệu về chất lượng nước, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh, các giải pháp bảo vệ, phục hồi môi trường nước, các nguồn nước mặt ô nhiễm nghiêm trọng; rà soát, bổ sung thông tin số liệu từ nhóm dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước các lưu vực sông Hồng - Thái Bình để phù hợp với yêu cầu quy hoạch.
Hoàn thành mô hình tính toán nguồn nước
Hiện nay, Trung tâm đã hoàn thành công tác xây dựng các mô hình tính toán TNN tính toán 5 tiểu lưu vực sông gồm Đà, Thao, Lô - Gâm, Cầu - Thương và vùng đồng bằng sông Hồng và 93 vùng tính toán theo các tần suất 50%, 85%, 95%; đánh giá hiện trạng chất lượng nước trên các sông chính, sông quan trọng, sông có nhiều hoạt động khai thác, sử dụng nước và tiếp nhận nước thải; đánh giá biến động nguồn nước trong kỳ quy hoạch theo Kịch bản BĐKH năm 2020.
Mức độ gia tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng nước sẽ gây ra căng thẳng về nguồn TNN vào mùa khô tại 11 trên tổng số 15 lưu vực sông lớn ở Việt Nam, đặc biệt đối với lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng - Thái Bình có đến 95% và 40% lượng nước đến từ nước ngoài.
Kết quả đạt được đó là hoàn thành đánh giá trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước trên toàn lưu vực, hiện trạng chất lượng các tầng chứa nước, diễn biến và xu thế biến động mực nước các tầng chứa chính nước bằng phương pháp mô hình dòng chảy; thống kê, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt theo các ngành kinh tế - xã hội như sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện, giao thông thủy; xác định các chỉ tiêu, tiêu chuẩn sử dụng nước, chỉ tiêu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Trung tâm đã hoàn thành việc xây dựng kịch bản tính toán phục vụ lập quy hoạch theo giai đoạn hiện trạng và trong kỳ quy hoạch (2025, 2030, 2050) với các yếu tố tác động như nguồn nước thượng lưu, BĐKH, cơ sở hạ tầng, hiện trạng khai thác, sử dụng nước.