Nông sản, thực phẩm xuất khẩu cần đáp ứng quy định an toàn thực phẩm của EU
(TN&MT) - Đối với thị trường có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm rất cao như Liên minh châu Âu (EU), doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần tăng cường cập nhật thông tin và kịp thời đáp ứng các quy định mới liên quan. Đây là điều kiện tiên quyết để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
Thông được đưa ra tại Hội nghị triển khai biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU, do Văn phòng SPS Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 24/2.

Xuất khẩu vào thị trường EU nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng ngày càng có sự tăng trưởng trong thời gian qua. Tuy nhiên, các sản phẩm phải đáp ứng các quy định SPS (kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch, phụ gia thực phẩm…) và TBT (rào cản kỹ thuật thương mại), với dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực phẩm thấp. Nếu hàng hóa vi phạm, không đạt được các quy định của thị trường, EU sẽ lập tức đưa ra cảnh báo. Với nhóm mặt hàng đã bị cảnh báo ở mức độ cao, nếu không có giải pháp kịp thời, cải thiện, thậm chí EU sẽ không cho phép nhập nhập.

Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Đáng lo ngại là trong 2 năm qua, cảnh báo về dư lượng hóa chất từ thuốc trừ sâu và thuốc thú y vẫn chiếm hơn 1 nửa số lượng cảnh báo của EU đối với nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Tiếp đó là cảnh báo về phụ gia thực phẩm; ô nhiễm vi sinh vật và độc tố nấm mốc; thực phẩm mới; thực phẩm hỗn hợp; chứa chất gây ô nhiễm môi trường... Các biện pháp xử lý chủ yếu là tiêu hủy sản phẩm, thu hổi sản phẩm, thông báo cho nhà xuất khẩu và một số hình thức khác.
Một vấn đề mới nổi gần đây là cảnh báo thực phẩm mới (thực phẩm mà người dân trong Liên minh chưa tiêu thụ ở mức độ đáng kể trước ngày 15/5/1997). Mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU của Việt Nam thuộc thực phẩm mới gồm: hạt é khô và các sản phẩm nước ngọt hương vị trái cây có chứa hạt é, thịt ốc bươu… Trong 2 tháng đầu năm 2025, EU đưa ra tổng cộng 8 cảnh báo về nhóm thực phẩm mới, có tới 4 cảnh báo cho Việt Nam nhận đến 4, tương đương 50% tổng số cảnh báo của các quốc gia trên thế giới.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, có 4 nguyên nhân khiến nông sản, thực phẩm Việt Nam nhận cảnh báo, bao gồm nguyên nhân từ vùng trồng, từ vùng nuôi thủy sản, từ cơ sở đóng gói/sơ chế/chế biến, và nguyên nhân từ cơ quan quản lý.
Đáng chú ý, thực tế cho thấy, cơ quan quản lý địa phương chưa sát sao với vấn đề liên quan đến SPS. Đến ngày 20/2/2025, mới chỉ có 18/63 (28,5%) tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện QĐ 534/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án SPS. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bị cảnh báo cũng chưa được quan tâm đúng mức. Văn phòng SPS Việt Nam mới nhận được 63/114 (chiếm 55,3 %) cảnh báo có kết quả xử lý của năm 2024, trong đó 57 sản phẩm thuộc quản lý của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và 6 sản phẩm thuộc quản lý của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

“Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, những địa phương nhận nhiều cảnh báo nhất từ EU lại là địa phương chưa gửi phản hồi về kế hoạch triển khai Đề án SPS, căn cứ Quyết định 534/QĐ-TTg”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Giải pháp trước mắt là phải hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các quy định an toàn thực phẩm của EU. Văn phòng SPS Việt Nam đề xuất phải tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn tham mưu Bộ có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm… tới các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu.

Các bên liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật. Đồng thời, siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất trong sản xuất nông sản, thủy sản. Tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU. Tăng cường truy xuất nguồn gốc và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng.
Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan chuyên môn của EU về việc hướng dẫn tuân thủ các quy định mới của EU, làm rõ việc truy xuất một số doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa đầy đủ thông tin; thông báo kết quả truy xuất nguồn gốc với EU để minh bạch thông tin quản lý an toàn thực phẩm.
Trong dài hạn, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về nâng cao nhận thức, tổ chức hệ thống SPS Việt Nam, cơ chế chính sách, nguồn lực, hợp tác quốc tế... đặc biệt là xây dựng kế hoạch và chiến lược dài hạn cho thị trường EU.
Tại Hội nghị, đại diện cơ quan quản lý đã thông tin cụ thể về các quy định, tiêu chuẩn sản phẩm tổng hợp nhập khẩu vào EU, thực phẩm mới và phụ gia thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm... Các đại biểu đến từ cơ quan chuyên môn của địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX sản xuất cũng chia sẻ thực tế và trao đổi, tìm ra giải pháp hiệu quả giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh và bảo vệ lợi ích lâu dài của nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam - cơ quan thường trực Diễn đàn kết nối 970 của Bộ NN-PTNT, đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, tổ chức thành công hàng trăm sự kiện, diễn đàn trong nước và quốc tế, nhằm kết nối giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về thị trường nông sản; cũng như cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin, tiêu chuẩn và quy định của EU nói riêng và các thị trường xuất khẩu quốc tế nói chung.
Với những thành quả đã đạt được nói trên, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch tin tưởng rằng, với quyết tâm từ Chính phủ, Bộ NN-PTNT, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước, cùng sự chủ động từ doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng và bà con nông dân trên khắp cả nước, chúng ta sẽ kịp thời điều chỉnh sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường không chỉ của EU mà trên toàn thế giới, giúp nâng cao vị thế nông sản Việt Nam; góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, trách nhiệm, bền vững.