Thúc đẩy thị trường carbon và phát triển xanh Bài 3: Đà Nẵng chủ động thúc đẩy thị trường carbon để phát triển bền vững
(TN&MT) - Trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng có việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Các chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng từ việc triển khai, thực hiện cơ chế này sẽ thúc đẩy, sớm hình thành và phát triển thị trường carbon để mang lại lợi ích kép cho thành phố và doanh nghiệp.
Tạo ra tín chỉ carbon để bán
Theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, tín chỉ carbon được hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố Đà Nẵng được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố Đà Nẵng được hưởng 100%. HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố...
.jpg)
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Võ Nguyên Chương, thành phố dự kiến tạo ra tín chỉ carbon từ một số chương trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước của thành phố, nhất là trong lĩnh vực năng lượng với 2 nhóm giải pháp cơ bản là tăng tỷ trọng thâm nhập của các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao vào trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giao thông vận tải (trong đó, thành phố chọn trọng số về lĩnh vực công nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên). Đồng thời, tái cấu trúc thị trường giao thông, trong đó giải quyết lượng phát thải từ hoạt động tiêu thụ nhiên liệu bình thường, chuyển dịch sử dụng năng lượng đối với các phương tiện giao thông công cộng và cá nhân từ nhiên liệu đốt sang điện...
Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục thay thế các thiết bị chiếu sáng thông thường sang chiếu sáng bằng các loại bóng đèn led hiệu suất cao; chuyển đổi sang sử dụng các bình nước ấm năng lượng mặt trời tại các hộ dân; chuyển đổi sang sử dụng các loại tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, nồi cơm điện... có hiệu suất cao để tiết kiệm được 30% lượng điện năng tiêu thụ. Thành phố cũng khuyến khích chuyển đổi sang chiếu sáng hiệu suất cao bằng đèn led, bình nước ấm năng lượng mặt trời, điều hòa, máy giặt, lò hơi và hệ thống lò hơi... có hiệu suất cao tại các toà nhà thương mại, khách sạn.

Trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố sẽ khuyến khích doanh nghiệp tối ưu hóa chu trình đốt clinke, sử dụng máy nghiền đứng trong sản xuất xi măng; gia nhiệt trong máy cán thép; thu hồi nhiệt khí từ lò thổi ôxy (BOF); sử dụng lò hơi hiệu suất cao trong các ngành công nghiệp dệt may, chế biến thực phẩm.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, cùng với khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học E5/E10; chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện, ôtô điện, xe buýt điện...
Trong các lĩnh vực nói trên, công nghiệp sẽ là ngành có tiềm năng giảm phát thải carbon lớn nhất. Dự kiến đến năm 2030, tổng tiềm năng giảm phát thải carbon của 3 lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, thương mại và dịch vụ đối với sử dụng năng lượng có thể giảm tới khoảng 865.000 tấn CO2, đến năm 2050 là 26,17 triệu tấn CO2.
Sau khi tạo ra tín chỉ carbon từ một số chương trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước của thành phố, Đà Nẵng sẽ giao dịch tín chỉ carbon với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. “Thành phố Đà Nẵng lựa chọn cách tiếp cận thị trường tín chỉ carbon với tư cách là “người bán” vì hiện nay, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng như một số quốc gia và vùng lãnh thổ có nhu cầu cao về mua tín chỉ carbon”, ông Võ Nguyên Chương nhấn mạnh.
Lợi ích kép
Từ việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo Nghị quyết số 136/2-24/QH15 của Quốc hội, thành phố Đà Nẵng cũng kỳ vọng hình thành và phát triển sớm thị trường carbon để mang lại thêm thêm những lợi ích cho thành phố và các doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, khi hình thành và phát triển thị trường carbon, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua thị trường Mỹ, châu Âu và các nước phát triển sẽ gặp thuận lợi trong quá trình tìm mua tín chỉ carbon; các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất năng lượng xanh (điện mặt trời, điện gió...) cũng dễ dàng bán tín chỉ carbon. Đây là những lợi ích kép mà thành phố và các doanh nghiệp sẽ có được khi thị trường carbon trong nước sớm được hình thành và phát triển.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam Lê Anh Hưng cho rằng, việc thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon không chỉ giúp Đà Nẵng bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính một cách bền vững, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và nâng cao đời sống của nhân dân. Đây là một bước đi đáng chú ý trong hành trình phát triển bền vững của thành phố.

Để thúc đẩy cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon, thành phố cần tạo chính sách khuyến khích đầu tư vào các dự án giảm phát thải, nâng cao hấp thụ khí nhà kính và khuyến khích tham gia thị trường carbon; hỗ trợ tài chính và thuế suất thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp để hỗ trợ giao dịch tín chỉ carbon; hợp tác quốc tế và kết nối với các tổ chức, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực giảm phát thải và phát triển thị trường carbon; tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi...
“Những biện pháp này không chỉ giúp Đà Nẵng thúc đẩy phát triển bền vững mà còn đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc làm giảm tác động của biến đổi khí hậu; làm tăng sự hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế”, ông Lê Anh Hưng nhìn nhận.
Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Phong Điện Thuận Bình Bùi Văn Thịnh cho rằng, nước ta xuất khẩu nhiều hàng hóa sang thị trường châu Âu và các nước phát triển nên sẽ bị áp thuế carbon nếu không dùng năng lượng xanh và sạch. Điều này đòi hỏi thị trường carbon phải phát triển sôi động.
Theo Sở TN&MT TP.Đà Nẵng, trong tương lai, các quốc gia kể cả Việt Nam, các chủ thể có phát thải khí nhà kính sẽ lựa chọn thị trường carbon quốc tế để giao dịch, trao đổi tín chỉ nên cần chủ động tham gia sớm. Trong khi chờ hình thành, phát triển thị trường carbon trong nước với các tiêu chuẩn đo đạc, kiểm định, xác nhận tín chỉ theo quy định, thành phố Đà Nẵng nhận thấy cần chủ động tiếp cận với thị trường quốc tế để có thêm kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc giao dịch tín chỉ carbon với các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.
Ông Võ Nguyên Chương cũng cho hay, Sở TN&MT sẽ bám sát cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội để tham mưu lãnh đạo thành phố hình thành một thị trường carbon tại Đà Nẵng và có thể là nơi giao dịch tín chỉ carbon của khu vực cũng như có tầm nhìn xa hơn trong tương lai gần.
Sau khi xác định tỷ lệ đóng góp về lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính cho mục tiêu chung của quốc gia, tín chỉ carbon được hình thành các chương trình, dự án đầu tư bằng ngân sách thành phố sẽ được giao dịch với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với lượng tín chỉ carbon sẽ được hình thành trong tương lai và qua hoạt động kiểm soát về môi trường, đầu tư các giải pháp công trình và phi công trình, hy vọng thị trường carbon tại thành phố Đà Nẵng sẽ tương đối hiệu quả. Số tiền thu được tiếp tục đầu tư các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần phát triển bền vững và tiếp tục tạo ra tín chỉ carbon để tham gia vào thị trường carbon.