Môi trường

Phân loại rác - thước đo nếp sống văn minh

Quan Hưng 21/02/2025 - 17:30

(TN&MT) - Từ mô hình thí điểm, thông qua cách triển khai hiệu quả và duy trì thường xuyên, đến nay, công tác phân loại rác tại nguồn tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng (trước đây là phường Lê Lợi) đã đi vào nền nếp, tạo thành thói quen, trở thành nếp sống đô thị văn minh.

Khi cán bộ đồng hành cùng dân

Bắt đầu từ tháng 11/2019, thực hiện kế hoạch phân loại rác tại nguồn trên địa bàn phường, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ phường Lê Lợi (cũ) đã thống nhất chọn Tổ dân phố số 3 là đơn vị triển khai mô hình thí điểm. Thời điểm này, rác được chia thành hai loại: rác vô cơ và rác hữu cơ. Đến đầu năm 2020, mô hình tiếp tục được nhân rộng, triển khai thêm ở Tổ dân phố số 2 rồi dần "phủ sóng" các tổ dân phố trên địa bàn phường.

Thời gian đầu triển khai, mô hình gặp không ít khó khăn do hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, một số người dân chưa nhận thức sâu sắc tác dụng của việc phân loại rác tại nguồn nên hiệu quả phân loại chưa cao. Tuy nhiên, những khó khăn này đã được nhìn nhận rõ từ trước khi bắt tay vào triển khai nhiệm vụ, vì vậy, Ủy ban MTTQ, cán bộ cơ sở và Ban vận động đã trực tiếp theo sát, đồng hành cùng dân, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để duy trì, phát triển thành phong trào.

1(1).jpg
UBND phường phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng tổ chức Hội nghị tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn

Trao đổi về điều này, bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Lạch Tray cho biết, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công đó là cán bộ phải đồng hành với dân, làm cùng dân, vừa tuyên truyền hướng dẫn, lắng nghe chia sẻ, vừa gương mẫu thực hiện, kể cả cầm tay chỉ việc, sát sao theo dõi. Có như vậy mới “dìu dắt” được phong trào đi lên.

Vì vậy, Ủy ban MTTQ đã thành lập 6 ban vận động tại 6 tổ dân phố, mỗi ban có từ 10 đến 12 người gồm bí thư, tổ trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi hội… Đặc biệt, công tác phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố nói chung và địa bàn phường nói riêng đã nhận được sự phối hợp tích cực của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng trong công tác đảm bảo cơ sở hạ tầng trong phạm vi trách nhiệm, đồng hành tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện thu gom sau phân loại.

3(1).jpg
UBND phường phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng tổ chức Hội nghị tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn

Công tác tuyên truyền được thực hiện hằng ngày qua hệ thống loa truyền thanh, tại bảng tin các tổ dân phố; thông qua các nhóm Zalo, Facebook… Hằng ngày, vào cuối giờ chiều, Ban vận động cùng cán bộ UBND phường, nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhắc nhở người dân duy trì nhiệm vụ phân loại rác. Đặc biệt, tất cả cán bộ phường, cán bộ Ủy ban MTTQ, thành viên Ban vận động đều gương mẫu thực hiện phân loại rác.

2(1).jpg
UBND phường phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng tổ chức Hội nghị tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn

Từ sự sâu sát của chính quyền và cơ quan chức năng, từ trách nhiệm chung tay đồng lòng của chính quyền, đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và người dân, đến tháng 10/2023, có 1.370/1.927 hộ dân toàn phường thực hiện phân loại rác, đạt 71%. Đến tháng 10/2024, tỉ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác thải lên tới 95%, 6/6 tổ dân phố của phường được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng công nhận là “Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải tại nguồn”.

Chung trách nhiệm, chung niềm vui

Là đơn vị duy trì, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, ông Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Truyền thông, Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng chia sẻ, công nhân môi trường của Công ty phụ trách trên địa bàn phường Lê Lợi trước đây (phường Lạch Tray hiện nay) cho biết, từ khi địa phương triển khai mô hình phân loại rác, công việc của họ bớt vất vả hơn. “Không chỉ chia sẻ trách nhiệm mà chúng tôi còn chia sẻ cả niềm vui vì thành công của mô hình. Đây là cơ sở để nhân rộng mô hình ra toàn thành phố”.

5.jpg
Ông Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Truyền thông, Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng và cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường, Ban vận động hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho người dân

Cũng theo ông Phạm Thanh Hà, để mô hình đạt hiệu quả cao, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đã bố trí thời gian, địa điểm đổ rác phù hợp. Việc thu gom rác trên các tuyến đường Lê Lợi, Chu Văn An sẽ theo các khung giờ từ 16h đến 19h45 hàng ngày, tạo điều kiện cho người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Xe thu gom rác cũng được thiết kế thêm một túi xanh cỡ lớn treo bên cạnh để đựng rác thải hữu cơ.

Song song với mô hình phân loại rác thải tại nguồn, phường đã ra mắt mô hình “Tổ dân phố xanh, văn minh, an toàn” triển khai tại Tổ dân phố số 2. Cây xanh được trồng ở giữa cửa hai hộ gia đình nhằm khắc phục tình trạng người dân để túi rác trước cửa nhà. Lực lượng công an địa phương cũng triển khai mô hình “Camera an ninh” để đảm bảo an toàn, an ninh khu vực, hỗ trợ tổ dân phố tìm ra hộ vứt rác không đúng nơi quy định để nhắc nhở kịp thời. Dần dần, ý thức trong việc phân loại rác thải của người dân được cải thiện rõ rệt, trở thành thói quen phân loại rác mỗi ngày.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Mai (người dân Tổ dân phố số 2) cho biết, được sự hướng dẫn của cán bộ Ban vận động và Công ty môi trường, việc phân loại rác đối với gia đình bà nói riêng và các hộ dân nói chung không gặp khó khăn. Một số khó khăn, vướng mắc ban đầu đã được các cơ quan đơn vị khắc phục ngay, vì vậy, mọi việc đều diễn ra thuận lợi. “Đến nay, phân loại rác đã trở thành thói quen với mỗi người dân chúng tôi và là thước đo nếp sống văn minh đô thị của mỗi gia đình. Từ nếp sống văn minh này, các gia đình tự giác nhìn nhau thực hiện”.

Có thể nói, Hải Phòng là một trong những địa phương trên cả nước có tỷ lệ phân loại rác tại nguồn cao nhất, hiệu quả nhất mà phường Lạch Tray là một điểm sáng cùng nhiều điểm sáng khác cộng hưởng lại, tạo thành “con đường sáng” trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Trong đó, công tác đảm bảo, phối hợp quy trình, các biện pháp kỹ thuật trong phân loại cũng đã được thường xuyên thay đổi, linh hoạt đổi mới, cập nhật theo quy định, hướng dẫn và nâng hoạt động phân loại rác lên thành các giá trị xã hội, văn hóa. Chia sẻ thêm về điều này, ông Phạm Thanh Hà cho biết: “Thành công của mô hình đã cho chúng tôi những bài học kinh nghiệm quý, gợi mở những hướng đi. Và khi phân loại rác đã trở thành tiêu chuẩn của đô thị văn minh thì mục tiêu xây dựng một “Hải Phòng xanh” chắc chắn sẽ sớm thành hiện thực”.

Quan Hưng