Hà Nội lý giải việc chậm bàn giao đất nông, lâm trường về địa phương quản lý
(TN&MT) – Trả lời ý kiến cử tri huyện Ba Vì về việc chậm bàn giao đất nông, lâm trường về địa phương quản lý, UBND TP Hà Nội cho rằng việc bàn giao có nhiều khó khăn, vướng mắc và cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.
Đốc thúc nhưng chưa hiệu quả
Tìm hiểu của phóng viên Báo TN&MT được biết, huyện Ba Vì có 12 nông, lâm trường, trạm trại với diện tích lên tới hàng chục ngàn héc ta. Các đơn vị này được giao đất cách đây 40-50 năm, đến nay đã thực hiện cổ phần hóa hoặc thay đổi chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, công tác bàn giao nhân khẩu về địa phương quản lý đã xong gần 20 năm nay nhưng việc bàn giao đất vẫn chưa hoàn thành, gây ra nhiều hệ lụy.
Vì vậy, cử tri huyện Ba Vì đã có ý kiến đề nghị thành phố Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh việc bàn giao đất nông, lâm trường trên địa bàn huyện về địa phương quản lý nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên tại Văn bản số 456/BC-UBND ngày 3/12/2024, UBND TP Hà Nội cho rằng việc bàn giao hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, từ năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện và các nông, lâm trường, trạm trại lập quy hoạch, phương án sử dụng đất cho các nông, lâm trường, trạm trại và đất rừng trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, UBND các huyện, thị xã Sơn Tây có trách nhiệm tiếp nhận nguyên trạng diện tích đất (bao gồm: Hồ sơ, hiện trạng về đất đai, nhà ở, công trình xây dựng, công trình công cộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật...) và nhân khẩu, hộ khẩu từ các công ty nông, lâm nghiệp (đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp) về địa phương quản lý theo quy định của pháp luật, chức năng quản lý nhà nước tại địa phương.
Sau khi hoàn thành công việc tiếp nhận đất từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương, UBND các huyện, thị xã Sơn Tây có trách nhiệm rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình UBND thành phố phê duyệt làm căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Đối với diện tích đất còn lại, UBND các huyện, thị xã lập phương án sử dụng đất theo quy hoạch, báo cáo UBND thành phố phê duyệt; chỉ đạo, giải quyết điểm những trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai và các tồn tại khác theo quy định của pháp luật.
Ngày 28/9/2022, UBND thành phố có Văn bản số 3195/UBND-TNMT chỉ đạo các sở, ngành tổ chức thanh tra toàn diện đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổng hợp, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Vẫn tiếp tục bàn biện pháp giải quyết
Trường hợp của huyện Ba Vì, UBND TP Hà Nội cho biết huyện này đang thực hiện bàn giao, tiếp nhận đối với 04 nông, lâm trường. Cụ thể, đối với Công ty Cổ phần Việt Mông, UBND huyện Ba Vì đã có báo cáo về việc cổ phần hóa, bàn giao đất và các khó khăn, vướng mắc trong bàn giao đất gửi UBND thành phố. UBND Thành phố đã chỉ đạo tại Văn bản số 3303/VP-TNMT ngày 31/3/2023 giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng các sở kiểm tra, xem xét. Hiện nay, UBND huyện đang chờ hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành;
Đối với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, UBND huyện đã có tờ trình đề nghị thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam – Chi nhánh Ba Vì bàn giao về địa phương. Hiện huyện đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất đã lập;

Đối với Công ty Cổ phần Giống gia cầm Ba Vì (trại gà Cu Ba), UBND huyện chưa xác định rõ phần diện tích và hiện trạng sử dụng đất đối với phần diện tích dự kiến bàn giao về địa phương quản lý. Huyện cũng đang thực hiện rà soát hiện trạng và thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường;
Đối với Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao kỹ thuật nông lâm nghiệp Ba Vì, huyện chưa làm xác định rõ phần diện tích và hiện trạng sử dụng đất đối với phần diện tích dự kiến bàn giao về địa phương quản lý. Huyện đang thực hiện rà soát hiện trạng và thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, trong năm 2024, UBND huyện cũng có 02 báo cáo xin ý kiến liên quan đến việc hướng dẫn bàn giao đất có nguồn gốc từ Nông trường Việt Mông, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nông lâm sản chế biến và phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam – Chi nhánh Ba Vì về địa phương quản lý.
Huyện Ba Vì cũng xin ý kiến về việc hướng dẫn hồ sơ thu hồi đất có nguồn gốc đất của nông trường tại Xí nghiệp Dứa Suối Hai; Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Moncada và Xí nghiệp Nông lâm nghiệp Sông Đà để xem xét cho phép xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 49 hộ gia đình, cá nhân thuộc diện di dân Tân Đức thuộc vùng sạt lở ven sông Đà, sông Hồng năm 1998 trên địa bàn huyện Ba Vì.
Ngày 12/9/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 7263/ STNMT-ĐKTKĐĐ gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc đôn đốc báo cáo kết quả rà soát, thống kê hiện trạng các diện tích đất do các công ty nông, lâm trường được giữ lại tiếp tục sử dụng; bàn giao về địa phương quản lý theo quyết định cổ phần hóa hoặc đề án/phương án sắp xếp, đổi mới đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngoài quận Hoàng Mai thì chưa có đơn vị nào có báo cáo cũng như biểu mẫu kèm theo gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với UBND huyện Ba Vì để rà soát cụ thể, bàn biện pháp giải quyết tồn tại, vướng mắc trên cơ sở quy định tại Luật Đất đai 2024.
Đánh giá nguyên nhân chậm trễ, UBND TP Hà Nội cho rằng, các đơn vị chủ quản chưa chủ động phối hợp, bàn giao đất về địa phương quản lý. Bên cạnh đó, quá trình rà soát còn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.