Phát triển Xanh

Thách thức trong huy động vốn xanh

Hà Duyên 19/02/2025 - 17:16

(TN&MT) - Nhu cầu vốn xanh ngày càng lớn, nhưng để tiếp cận nguồn vốn này, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực và xanh hóa hoạt động để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi xanh nhằm hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc huy động vốn xanh trở thành yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), vẫn đang đối diện với nhiều thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" do Báo Người lao động tổ chức ngày 19/12 tại TP.HCM, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, hiện nay Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Từ các quy định về tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước đến các chương trình quản lý tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai. Mặc dù vậy, chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

mr-duong-17399338776811412523251.jpg
Toàn cảnh tọa đàm

Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này ông Tùng cho rằng là do việc thiếu cơ chế rõ ràng, khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi. “Ngay cả các ngân hàng cũng đang gặp lúng túng khi chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xanh, dẫn đến khó khăn trong việc cấp vốn cho các dự án thân thiện với môi trường”, ông Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh vấn đề tài chính, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự hiểu rõ chuyển đổi xanh là gì và làm thế nào để áp dụng vào thực tế. Sự thiếu hụt thông tin và các chương trình đào tạo chuyên sâu đang khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, mặc dù trào lưu chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đáng suy ngẫm.

Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhưng phần lớn những doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp SME gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức.

mr-ky-2-1739938304782402095452.jpg
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phát biểu

Theo ông Kỳ, một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính. Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Mặc dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó. Bên cạnh đó, nhân lực cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp tại TP.HCM sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), gây cản trở lớn cho quá trình chuyển đổi.

Ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, hiện nay nhu cầu vốn xanh ngày càng lớn, nhưng để tiếp cận nguồn vốn này, bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực và xanh hóa hoạt động để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

mr-nguyen-1739933374282133013726.jpg
Ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng Phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phát biểu

Một trong những thách thức lớn hiện nay là sự lệch pha giữa nhu cầu tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo và nguồn vốn ngân hàng. Các ngân hàng chủ yếu huy động từ nguồn vốn ngắn hạn, trong khi các dự án xanh thường yêu cầu vốn trung và dài hạn. Điều này gây áp lực lớn lên hệ thống tín dụng.

Nhằm giảm tải áp lực cho các ngân hàng, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hướng tới huy động vốn trên thị trường chứng khoán và các kênh tài chính khác. Đây sẽ là giải pháp quan trọng giúp các dự án năng lượng tái tạo tiếp cận nguồn vốn bền vững hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm các khoản đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được điều này, họ cần phải nâng cao năng lực, minh bạch tài chính và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe mà các nhà đầu tư quốc tế yêu cầu.

PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về kinh tế tuần hoàn và lộ trình phát triển thị trường carbon nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, giúp giảm phát thải và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong tháng 3 tới, kỳ vọng sẽ có những quy định mới về tín dụng xanh và trái phiếu xanh, tạo thêm nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi.

Bên cạnh đó, thị trường carbon cũng được xem là một công cụ quan trọng giúp thực hiện những mục tiêu này. Việc phát triển thị trường này sẽ mở ra cơ hội huy động nguồn lực tài chính phục vụ kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Hà Duyên