Điều chỉnh Bảng giá đất ở TP.HCM: Tăng đồng thuận, đẩy nhanh tiến độ GPMB
(TN&MT) - Bảng giá đất mới điều chỉnh không chỉ đảm bảo tính công bằng, mà còn thúc đẩy nhanh các dự án phát triển hạ tầng quan trọng tại TP.HCM.
Hiệu quả tích cực
TP.HCM đã chính thức ban hành Quyết định 79/2024/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Bảng giá đất giai đoạn 2024 - 2025. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ năm 2020, với mức giá đất tăng mạnh, từ 4 đến 38 lần tùy khu vực.
.jpg)
Đánh giá về tác động của bảng giá đất mới, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh giá đất mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Cụ thể, các khoản lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là hộ gia đình, sẽ được công khai minh bạch, đảm bảo công bằng.
Ngoài ra, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về đất đai cũng được điều chỉnh tăng, góp phần răn đe, hạn chế vi phạm và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh. Việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu vực đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật sẽ diễn ra nhanh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiếp cận đất đai.
Đối với người có đất bị thu hồi, giá tái định cư được xác định một cách minh bạch và công khai hơn so với trước đây, giúp đảm bảo công bằng giữa giá thu hồi đất và giá bán nền tái định cư.
Ông Thắng nhấn mạnh, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động tích cực đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Người dân nhận đền bù theo giá thị trường sẽ được hưởng mức bồi thường cao hơn, trong khi giá tái định cư được điều chỉnh theo khung giá đất mới giúp họ có cơ hội sở hữu vị trí đất đẹp hơn, thuận lợi hơn.
Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, cho rằng bảng giá đất mới đã tạo điều kiện để người dân có đất bị thu hồi được hưởng mức đền bù cao hơn, từ đó giảm thiểu tranh chấp và thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Những dự án trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3 hay tuyến metro số 2.... sẽ có điều kiện triển khai nhanh hơn nhờ sự đồng thuận từ phía người dân.
"Người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo quyền lợi hơn hẳn trước đây. Với mức giá tiệm cận giá trị thị trường, các khoản đền bù trở nên minh bạch và hợp lý hơn, giúp giảm tranh chấp đất đai. Điều này đặc biệt quan trọng trong các dự án hạ tầng lớn. Bảng giá đất mới không chỉ giúp tăng sự đồng thuận của người dân mà còn đẩy nhanh tiến độ GPMB, vốn là yếu tố then chốt cho các dự án lớn", TS. Đinh Thế Hiển nói.
Vẫn còn những lo ngại
Dù bảng giá đất mới mang lại nhiều lợi ích, nhưng các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về những tác động đáng kể đối với thị trường.
TS. Đinh Thế Hiển nhận định, sau khi bảng giá đất mới có hiệu lực, giá của phân khúc đất nền thổ cư và đất có sổ đã tăng đột biến. Trong thời gian tới, nguồn cung đất nền có sổ, đặc biệt là tại các khu đô thị dân cư hiện hữu, sẽ trở nên khan hiếm do nhu cầu tăng mạnh, với tỷ lệ tiêu thụ có thể tăng hơn 30%.
Đối với các dự án bất động sản, ông Hiển cho rằng trong ngắn hạn, những dự án đã có sẵn đất và chỉ phải tính tiền sử dụng đất sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, về dài hạn, khi các chủ đầu tư phải mua quỹ đất mới, thực hiện giải phóng mặt bằng và đền bù, chi phí tăng lên sẽ ảnh hưởng đến giá bán, làm giá sản phẩm trên thị trường leo thang.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cũng bày tỏ lo ngại rằng bảng giá đất tăng cao có thể khiến TP.HCM mất dần lợi thế so với các địa phương lân cận. Điển hình như tại Long An, nhờ giá thuê đất hằng năm thấp hơn TP.HCM, các khu công nghiệp tại Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức đã phát triển mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn so với các khu vực như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.
Theo ông Châu, TP.HCM cần cân nhắc kỹ khi áp dụng mức tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất để phù hợp với thực tế, đồng thời giảm tỷ lệ thu tiền thuê đất, đặc biệt đối với đất xây dựng công trình ngầm và đất có mặt nước. "Có thể áp dụng mức giá thuê bằng 20% giá thuê đất trên bề mặt đối với những loại đất này", ông Châu đề xuất.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa ra mức thu hợp lý cho hình thức thuê đất trả tiền hằng năm và trả tiền một lần đối với đất có cùng mục đích sử dụng. Điều này không chỉ khuyến khích đầu tư vào các dự án công trình ngầm và đất có mặt nước mà còn giúp duy trì nguồn thu ngân sách bền vững. "Nếu mức giá thuê hợp lý và có tính cạnh tranh, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm, đồng thời thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào TP.HCM", Chủ tịch HoREA nhìn nhận.