Xã hội

Văn Quan (Lạng Sơn): Hiệu quả từ Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS&MN

Hoàng Nghĩa 17/02/2025 15:51

(TN&MT) - Thời gian qua, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Qua đó, từng bước cải thiện và hoàn thiện cơ sở vật chất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Văn Quan là huyện miền núi nằm cách trung tâm Tp.Lạng Sơn 45km. Toàn huyện có 4 dân tộc anh em Tày, Nùng, Hoa, Kinh cùng sinh sống; với trên 13.600 hộ dân là đồng bào DTTS, chiếm 97% tổng dân số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025, huyện Văn Quan đã nỗ lực triển khai hiệu quả Chương trình, đề ra mục tiêu giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2021-2025 và đưa xã Trấn Ninh ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tương ứng tỷ lệ giảm 5,8%.

20250217_104419.jpg
Lãnh đạo huyện Văn Quan kiểm tra các công trình, dự án trên địa bàn.

Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình, ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các dự án thành phần đã chủ động tham mưu cho UBND huyện, Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai đạt hiệu quả cao. Ưu tiên bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn, hỗ trợ nhà ở, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo hướng liên kết, phát triển các sản phẩm thế mạnh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Là đơn vị được giao triển khai 3 dự án thành phần thuộc Chương trình, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Quan đã tập trung triển khai 3 dự án, gồm: Dự án 1, hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 4, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN; Dự án 5, phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Kết quả, đã đầu tư xây dựng 3 công trình cấp nước sinh hoạt cho hơn 830 hộ gia đình được thụ hưởng; 14 công trình giao thông với tổng chiều dài tuyến thực hiện gần 25km; cải tạo 1 trạm y tế; thực hiện 6 công trình giáo dục; 4 công trình thủy lợi nhỏ; cải tạo, sửa chữa 2 chợ dân sinh.

Đồng thời, đầu tư xây mới 5 trường bán trú, với 5 phòng ở cho học sinh bán trú; 28 phòng quản lý cho học sinh bán trú, nội trú; 1 nhà ăn, nhà bếp; 12 công trình vệ sinh, nước sạch; 33 phòng học thông thường và phòng học bộ môn. Qua đó, từng bước cải thiện và hoàn thiện cơ sở vật chất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.

20250217_103633.jpg
Hạ tầng giao thông ở Văn Quan đã và đang được đầu tư đồng bộ, giúp người dân thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan Triệu Đức Dũng, thông qua việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm từ huyện đến các xã, đặc biệt là hạ tầng giao thông, giúp nhân dân thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đã giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày một nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN ngày một khởi sắc. Đến nay, 99,8% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 28 trường học đạt chuẩn quốc gia; duy trì 17/17 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở mức độ 3;

100% số xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; các mô hình sản xuất hiệu quả từng bước được nhân rộng... Hết năm 2024, toàn huyện còn 690 hộ nghèo, tỷ lệ 4,95%; 3.620 hộ cận nghèo, tỷ lệ 25,99%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 giảm 5,7%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch từng bước chuyển biến tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông được quan tâm đầu tư, góp phần phục vụ tốt các hoạt động, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa của bà con nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai một số chương trình, dự án còn đối diện khó khăn, vướng mắc. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn trong việc thực hiện các dự án đầu tư. Một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia gặp khó khi giải phóng mặt bằng, do Chương trình chỉ thực hiện tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, không bố trí vốn từ ngân sách phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, vốn ngân sách huyện còn hạn chế, tăng thu ngân sách để bố trí cho các dự án đầu tư còn thấp. Việc huy động các nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, doanh nghiệp nhỏ, số lượng ít... nên công tác xã hội hóa nguồn vốn đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.

screenshot_20230610_205438_facebook.jpg
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Văn Quan ngày một nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN ngày một khởi sắc.

Thời gian tới, huyện Văn Quan sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đơn vị có liên quan trực tiếp, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án đầu tư công và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS&MN.

Quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thiết thực của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS&MN, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, làm tốt công tác đối thoại với Nhân dân để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công, nhất là công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.

Hoàng Nghĩa