Biến đổi khí hậu khiến chuột “tràn lan” khắp đường phố
(TN&MT) - Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng chuột tràn lan tại các đô thị trên toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng và nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu.
Ngày càng nhiều chuột trên đường
Giáo sư Jonathan Richardson, Giáo sư Sinh học tại Đại học Richmond bắt đầu nghiên cứu xu hướng gia tăng số lượng chuột ở đô thị sau khi thấy nhiều báo cáo về tình trạng chuột "xâm lấn” các thành phố. Qua đó, ông nhận thấy các báo cáo này chỉ mới tập trung vào một khu vực nhỏ mà không có nhiều dữ liệu thực tế.
Theo đó, nhóm nghiên cứu của ông đã thu thập số liệu từ 200 thành phố lớn nhất nước Mỹ. Dù vậy, chỉ có 13 thành phố cung cấp dữ liệu đầy đủ và dài hạn.

Để có cái nhìn toàn diện hơn, nhóm cũng bổ sung dữ liệu từ ba thành phố quốc tế: Toronto, Tokyo và Amsterdam.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu trong khoảng 12 năm, bao gồm số lần nhìn thấy chuột, số lượng chuột bị bắt và các báo cáo kiểm tra của cơ quan chức năng.
Kết quả cho thấy số lượng chuột tăng đáng kể tại 11 trong số 16 thành phố được nghiên cứu. Trong đó, Washington DC, San Francisco, Toronto, New York và Amsterdam là nhưng thành phố có tỷ lệ tăng lớn nhất.
Ngược lại, chỉ có ba thành phố ghi nhận sự suy giảm là New Orleans, Louisville và Tokyo.
Biến đổi khí hậu là “thủ phạm”
Nghiên cứu cho thấy nhiều yếu tố tác động đến sự gia tăng số lượng chuột, bao gồm mật độ dân số cao và ít cây xanh tại đô thị. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày càng tăng.
Chuột là loài động vật có vú nhỏ, khả năng chịu lạnh kém. Khi nhiệt độ ấm lên, đặc biệt vào mùa đông, chuột có nhiều thời gian hơn để kiếm ăn và sinh sản. Ngoài ra, khí hậu ấm hơn cũng kéo dài mùa sinh trưởng của thực vật, cung cấp thêm thức ăn và nơi trú ẩn cho chuột.
Ông Michael Parsons, chuyên gia về động vật hoang dã đô thị, cho biết: “Ngay cả mùi thức ăn và rác thải cũng có thể lan xa hơn trong thời tiết ấm, thu hút chuột tìm đến.”
Sự gia tăng số lượng chuột gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho các thành phố. Chuột phá hủy cơ sở hạ tầng, làm ô nhiễm thực phẩm, thậm chí có thể gây hỏa hoạn do cắn đứt dây điện. Theo báo cáo, chuột gây thiệt hại khoảng 27 tỷ USD mỗi năm tại Mỹ.
Không chỉ vậy, chuột còn là mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Chúng mang hơn 50 loại mầm bệnh có thể lây sang người qua nước tiểu, phân, nước bọt hoặc ký sinh trùng. Một số bệnh nghiêm trọng như leptospirosis (hay còn gọi là bệnh Weil) có thể gây tổn thương gan, thận và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Chuột cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của con người. Giáo sư Richardson cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sống trong khu vực có nhiều chuột có thể gây ra lo lắng, căng thẳng cho người dân. Do đó cần có các biện pháp kiểm soát loài gặm nhấm này.
Giảm thiểu chứ không tiêu diệt
Nghiên cứu là lời cảnh tỉnh về tác động của biến đổi khí hậu đối với vấn đề chuột tại đô thị.
Ông Richardson cảnh báo: “Nếu không kiểm soát ngay từ bây giờ, tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Bạn không muốn trở thành Sisyphus mãi mãi đẩy tảng đá lên dốc mà không bao giờ đến đích.”
Tuy nhiên, the ông Brown, việc kiểm soát chuột cũng cần có tính toán.
“Không ai nghĩ rằng chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn chuột, nhưng chúng ta có thể kiểm soát chúng ở mức có thể quản lý được. Mục tiêu là kiểm soát và giảm thiểu, chứ không phải tiêu diệt hoàn toàn”, ông nói thêm.
Dù là một loài vật được cho là phá hoại, nhưng chuột lại là loài vật được sử dụng phổ biến trong hầu hết các nghiên cứu từ thử nghiệm vaccine, thuốc điều trị, nghiên cứu hành vi, thử thai... Nhờ có chúng mà nhân loại đã thử nghiệm và tìm ra được nhiều phương thuốc, loại vaccine... cho con người trong lĩnh vực khoa học và y tế suốt hàng trăm năm qua.
Tựu trung lại, sự biến mất đột ngột của chuột cũng có nghĩa là cân bằng sinh thái sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Richardson cho biết việc số lượng chuột cao không đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương làm chưa tốt. Vấn đề nằm ở nguồn lực hạn chế cho các chương trình kiểm soát chuột.
Ông nhấn mạnh rằng các thành phố nên học hỏi từ ba địa điểm đã giảm được số lượng chuột – New Orleans, Louisville và Tokyo – bằng cách nâng cao nhận thức cộng đồng về cách hạn chế thu hút chuột, đồng thời cung cấp tài nguyên cho người dân để xử lý vấn đề.
Đồng thời, ông cũng khuyến nghị giảm dần các biện pháp tiêu diệt chuột, thay vào đó nên tập trung vào việc loại bỏ nguồn thức ăn và nơi trú ẩn của chúng, chẳng hạn như kiểm soát rác thải và hạn chế đống đổ nát trong thành phố.